Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 08:29, 13/04/2013

(HNM) - Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất với Ban Chỉ đạo trung ương về việc xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị (CQĐT) và chính quyền nông thôn. Điểm nổi bật trong Đề án là TP tổ chức thành hai cấp chính quyền hoàn chỉnh: cấp TP và cấp đô thị trực thuộc.


Theo mức độ đô thị hóa (ĐTH) hiện nay, để xây dựng mô hình CQĐT, TP sẽ phát triển theo hướng chia thành 3 địa bàn: địa bàn đã ĐTH (gồm 13 quận nội thành cũ), đang ĐTH (8 quận, huyện vùng ven) và địa bàn NT (gồm 3 huyện: Củ Chi, Bình Chánh và Cần Giờ). Đáng chú ý, trong địa bàn đang ĐTH sẽ phân cấp thành 4 TP vệ tinh gồm: TP Đông (quận 2, 9 và Thủ Đức); TP Nam (quận 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh); TP Bắc (quận 12 và huyện Hóc Môn) và TP Tây (quận 8, Bình Tân và Bình Chánh).

Một công dân đánh giá cán bộ trên máy điện tử ở trụ sở UBND quận 1.



Ông Lê Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, cấp TP và 4 TP vệ tinh trực thuộc sẽ có nhiều đô thị trong một đô thị lớn là TP Hồ Chí Minh. Chính quyền các khu đô thị cũng thực hiện 2 cấp chính quyền như cơ cấu chính quyền TP trực thuộc trung ương. Dưới cấp chính quyền này sẽ tổ chức các cơ quan hành chính phường. Riêng quận và phường (hiện tại) cũng là đô thị nhưng không tổ chức cấp chính quyền hoàn chỉnh mà có bước quá độ để trực thuộc cấp TP. Còn địa bàn nông thôn, TP đề xuất đổi mới theo hướng không tổ chức HĐND cấp huyện mà chỉ có cơ quan hành chính huyện như "cánh tay nối dài" của TP. Quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan hành chính huyện sẽ thực hiện theo cơ chế ủy quyền của cấp chính quyền TP.

Bên cạnh đề xuất mô hình quản lý, TP cũng cho rằng cần áp dụng mô hình chính quyền điện tử, tức là sẽ đưa hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) vào các cơ quan nhà nước. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2012, TP đã thực hiện được trên 1.000 dự án, hạng mục CNTT với tổng kinh phí đầu tư gần 700 tỷ đồng để đầu tư cho mô hình chính quyền điện tử. Thông qua đó, lãnh đạo có thể giám sát toàn hệ thống, quản lý chặt chẽ từng công việc, từng nhân viên. Đây cũng là hệ thống quản lý nguồn lực, bảo đảm cho hệ thống chính hoạt động và vận hành thông suốt. Bộ máy nhà nước thông qua hệ thống này nhằm nâng cao năng lực quản lý, tạo phong cách làm việc khoa học, hiệu quả, giải quyết nhanh công việc với độ chính xác cao.

Trên thực tế, các sở, ban, ngành và quận, huyện trên địa bàn TP đã không ngừng áp dụng CNTT vào việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Có thể kể đến những điểm sáng là: UBND quận 1 triển khai gắn máy điện tử đánh giá cán bộ, nhắn tin khi làm thủ tục hành chính; UBND phường Bến Thành đưa mô hình làm thủ tục hành chính bằng dấu vân tay vào thực tế; sử dụng hệ thống phần mềm lõi tại Sở Xây dựng đã giúp giải quyết hồ sơ người dân nhanh hơn… "Bởi vậy, năm 2013, TP ưu tiên bố trí 300 tỷ đồng từ ngân sách cho ứng dụng CNTT, hy vọng sẽ tạo bước ngoặt lớn trong việc xây dựng chính quyền điện tử", ông Tuấn nói.

Hà Tuấn