Quản lý game bạo lực - Bất lực ?
Xã hội - Ngày đăng : 08:12, 13/04/2013
Một nửa thanh thiếu niên chơi game bạo lực
54,6% trong số 2.845 thanh, thiếu niên chơi game được Trung tâm Nghiên cứu về phụ nữ ( Đại học Quốc gia Hà Nội) điều tra trong một nghiên cứu trả lời rằng, game của họ chơi có cảnh bạo lực như đâm chém, đấm đá, đánh đập, đầu rơi máu chảy... Đáng chú ý, 17% số người được hỏi tuy chơi game bạo lực nhưng lại không cho rằng, trò chơi ấy có yếu tố bạo lực. Theo điều tra, 14,3% số thanh, thiếu niên chơi game bạo lực từ khi học tiểu học, 38,7% từ trung học cơ sở và 20,6% từ trung học phổ thông. Những người bắt đầu chơi game khi đã đi làm chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 1,7%. Việc chơi game làm mất khá nhiều thời gian của người chơi. Theo nghiên cứu này, có 23,3% người chơi dưới 1 giờ mỗi ngày, 45,2% chơi từ 1 đến dưới 3 giờ, 18,6% chơi từ 3 đến dưới 5 giờ và có 12,9% chơi trên 5 giờ. Kết quả điều tra cũng chỉ ra một thực tế, số thanh, thiếu niên chơi 5 giờ/ ngày chủ yếu là chơi vào ban đêm và thường chơi những game có tính bạo lực nặng.
Các chương trình game bạo lực đang thu hút giới trẻ. Ảnh: Như Ý |
Chơi game không tốn nhiều tiền cho nên đây cũng là một lý do khiến cho nhiều người trẻ "nghiện" game. 32% số người được hỏi cho biết họ chi vào thú vui này chưa đến 100.000 đ/tháng, 15,1% tiêu từ 100.000đ đến 300.000 đ/tháng, chỉ có 4,8% chơi trên 1 triệu/tháng.
Khung pháp lý kém hiệu quả
Trước những tác động xấu của game nói chung và game bạo lực nói riêng, một số văn bản pháp lý về quản lý game đã được ban hành. Thông tư liên tịch số 02/2005 về hướng dẫn quản lý đại lý internet, Thông tư liên tịch số 60/2006 về quản lý trò chơi trực tuyến, Nghị định 97/2008/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet... lần lượt ra đời nhưng hầu như chưa phát huy hiệu quả. Quy định khá cụ thể, ví như theo Thông tư 60, mỗi tài khoản chơi trong 180 phút đầu được tính 100% điểm thưởng, từ phút 181 đến phút 300 chỉ được tính 50% số điểm thưởng; từ phút 301 sẽ không được tính điểm thưởng dưới mọi hình thức; chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến tại các địa điểm kinh doanh đại lý internet từ 6h đến 23h hằng ngày; kiểm soát chứng minh thư và địa điểm quán game; chỉ được cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến ở các địa điểm cách cổng ra vào các trường học tối thiểu 200m. Quy định là thế nhưng trên thực tế, người chơi và chủ quán game đều không thực hiện vì thiếu tính khả thi. Một chủ quán game chia sẻ: "Thực ra, các quy định ấy chẳng giải quyết vấn đề gì. Ví dụ ngay Trường Phan Bội Châu đây này. Thời gian biểu của học sinh rất oái oăm. Buổi sáng học 2 tiết, chiều trường bố trí 2 tiết nữa. Thời gian trống chúng nó thích đi đâu thì đi, ai cấm được. Quán game xa hay gần trường đâu có ý nghĩa gì !".
Vấn đề quản lý game bạo lực hiện nay đang đứng trước thách thức lớn do sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, sự ra đời và phát triển ngành công nghiệp game cả ở trong nước và trên thế giới. Trong khi đó, ở nước ta vẫn chưa có một cơ quan, tổ chức chuyên môn nào có nhiệm vụ đánh giá và phân loại trò chơi điện tử để xác định rõ game nào là bạo lực, khiến việc quản lý thiếu cơ sở và không tạo ra được tiếng nói chung giữa nhà sản xuất game với người tiêu dùng.
Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Trung tâm Nghiên cứu về phụ nữ, nghiên cứu và vận dụng kinh nghiệm quản lý game ở các nước phát triển là việc cần và có thể làm. Ở Canađa và Bắc Mỹ, việc quản lý game được thực hiện thông qua hệ thống phân loại độ tuổi chơi tương ứng với trò chơi. Hệ thống đánh giá của tổ chức ESRB (Entertainment Sortware Rating Board) sẽ giúp cho phụ huynh quyết định đúng khi mua game cho con chơi giải trí, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất trò chơi phát triển nội dung một cách có trách nhiệm với xã hội. Khi đã tham gia vào ESRB, nhà sản xuất sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý, phải tuân theo các nguyên tắc và chỉ dẫn về quảng cáo sản phẩm trên thị trường, nếu vi phạm sẽ phải chịu xử lý cả về tài chính lẫn hình phạt pháp luật.
Các nhà nghiên cứu cũng khuyến nghị, việc quản lý game bạo lực cần phải dựa trên những cơ sở, tiêu chí đánh giá rõ ràng và thực hiện theo một quy trình chặt chẽ. Một tổ chức nghiên cứu và đánh giá chuyên môn, tư vấn những chính sách thích hợp trong việc quản lý game bạo lực và sự ảnh hưởng của nó đối với thanh thiếu niên nhằm giúp cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đạt hiệu quả mong muốn cũng là việc cần làm ngay nếu không muốn game bạo lực thêm ảnh hưởng xấu tới thế hệ tương lai.