Tăng sức cạnh tranh

Kinh tế - Ngày đăng : 07:57, 13/04/2013

(HNM) - Sau khi mở cửa hoàn toàn thị trường bưu chính theo cam kết WTO, thị trường chuyển phát trong nước đã có doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài hoạt động bằng việc UPS (Hoa Kỳ) mua nốt cổ phần tại Công ty Liên doanh UPS Việt Nam. Điều này sẽ tác động tới các DN và thị trường chuyển phát nhanh trong nước như thế nào?

Các doanh nghiệp chuyển phát nhanh trong nước phải gây sức ép cạnh tranh cho chính mình ngay từ bây giờ.



Cuối tháng 3-2013, hãng chuyển phát nhanh UPS đã thông báo mua lại 49% cổ phần trong liên doanh giữa UPS và Công ty CP Chuyển phát nhanh bưu điện (VNPost Express) để thành lập Công ty UPS Việt Nam. Như vậy, đây là hãng chuyển phát toàn cầu đầu tiên có DN 100% vốn nước ngoài hoạt động tại thị trường Việt Nam. Trước đó, từ năm 2010, đối tác này đã hợp tác với VNPost Express thành lập công ty liên doanh, trong đó UPS sở hữu 51% cổ phần. Sở dĩ có chuyện này là theo quy định, các DN bưu chính nước ngoài muốn hoạt động tại Việt Nam chỉ được hợp tác theo hình thức liên doanh với điều kiện góp vốn không quá 51% vốn điều lệ. Từ ngày 11-1-2012, theo cam kết gia nhập WTO, ngành bưu chính Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn thị trường chuyển phát và sau hơn một năm, đã có DN 100% vốn nước ngoài ra đời.

Cùng với UPS, còn ba nhà khai thác toàn cầu khác là DHL (Đức), TNT (Hà Lan), FedEx (Mỹ) hoạt động tại thị trường Việt Nam từ những năm 1990 để kinh doanh dịch vụ chiều đi quốc tế. Từ sau ngày 16-1-2012, các thông tin cho thấy mới có FedEx cho biết đang chuẩn bị thủ tục xin thành lập DN 100% vốn. DHL thì tăng cường đầu tư vốn để khai thác tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, một số DN chuyển phát nhanh nước ngoài mua lại cổ phần, hoặc ký kết hợp tác trở thành đại lý cung ứng của DN chuyển phát nhanh tư nhân trong nước.

Có lẽ cũng không phải nói nhiều về việc mua lại cổ phần của các DN chuyển phát nhanh nước ngoài, vì họ là những nhà khai thác lớn, có mạng lưới toàn cầu, có kinh nghiệm và nguồn vốn lớn. Việc họ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam cho thấy mảng thị trường trong nước rất hấp dẫn. Vậy, khi DN nước ngoài gia tăng hoạt động, có ảnh hưởng gì đến các DN chuyển phát nội địa? Đây cũng là điều được các chuyên gia phân tích cụ thể. Còn nhớ, tại cuộc tọa đàm về "Mở cửa thị trường bưu chính" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây, các nhà lãnh đạo DN bưu chính, chuyển phát đã chỉ ra việc DN "ngoại" sẽ chuyển đổi hình thức hoạt động và tăng cường đầu tư là tất yếu. Song, các DN này đều nắm giữ kinh doanh ở phần cung cấp dịch vụ, giải pháp… cho các tập đoàn đa quốc gia, DN nước ngoài tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và "nắm" chiều đi ra quốc tế - là những mảng dịch vụ mà các DN "nội" chưa thể làm được. Trước mắt, việc các DN ngoại gia tăng hoạt động sẽ chưa ảnh hưởng tới các DN chuyển phát nhanh trong nước. Vì, như đã kể trên, các DN nước ngoài này có thế mạnh là hoạt động toàn cầu nên họ sẽ chủ yếu chú trọng khai thác khâu đầu ra quốc tế, thực tế ngay từ khi vào thị trường Việt Nam, các hãng bưu chính lớn này chỉ "để mắt" tới việc kinh doanh mảng chuyển phát đi quốc tế. Trong khi đó, thị trường chuyển phát trong nước được đánh giá là nhỏ bé, hơn nữa mảng kinh doanh chuyển phát trong nước đang được các DN nội địa chiếm lĩnh. Từ những phân tích này cho thấy, về cơ bản các DN chuyển phát "nội" chưa phải quá lo lắng trước việc các nhà khai thác toàn cầu thành lập DN 100% vốn nước ngoài, mở rộng đầu tư. Nhưng, không có nghĩa là các DN "nội" có thể "kê cao gối ngủ", vì biết đâu đấy một ngày nào đó DN "ngoại" lại hướng việc kinh doanh vào khai thác mảng chuyển phát "nội" thì lúc đó với thế mạnh tổng lực từ kinh nghiệm, nguồn vốn của họ sẽ gây ra khó khăn lớn cho DN trong nước. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, ngay từ bây giờ các DN chuyển phát "nội" phải gây sức ép cạnh tranh cho chính mình là không ngừng nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu hóa chi phí… để sẵn sàng "vào cuộc" cùng cạnh tranh.

Việt Nga