Thị trường trái phiếu sôi động: Tìm đầu ra cho nguồn vốn ứ đọng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:54, 13/04/2013
Huy động gần 65,5 nghìn tỷ đồng trái phiếu
Tình hình thị trường trong quý I khá thuận lợi cho việc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP). Nhu cầu mua TPCP trên thị trường rất cao với khối lượng dự thầu luôn cao hơn khối lượng gọi thầu 1,12-5,11 lần. Tỷ lệ trúng thầu trong từng phiên đấu thầu TPCP thường đạt 90-100%. Trong khi đó, lãi suất huy động vốn lại giảm dần qua các phiên đấu thầu, dao động trong khoảng 8,3-9,3%/năm. Trong quý I-2013, Bộ Tài chính đã huy động được gần 65,5 nghìn tỷ đồng vốn TPCP, đạt 33,6% kế hoạch năm. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, thị trường trái phiếu diễn biến thuận lợi là do Bộ đã ban hành quy định mới yêu cầu các thành viên phải tham gia các phiên đấu thầu đã làm tăng tính cạnh tranh cho thị trường. Thêm vào đó, kế hoạch phát hành TPCP của Bộ luôn bám sát thị trường và nhu cầu của NSNN nhằm xác định khối lượng gọi thầu hợp lý trong từng phiên, qua đó giảm lãi suất huy động.
Trái phiếu Chính phủ là lựa chọn tối ưu của các ngân hàng trong bối cảnh nguồn vốn |
Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, việc thị trường TPCP sôi động trong quý I một phần là do thanh khoản của hệ thống ngân hàng hiện rất dồi dào, tín dụng không tăng trưởng. Để khơi thông dòng vốn tín dụng, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã liên tục giảm lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay. Cho đến thời điểm này, với kỳ hạn 1-6 tháng, tại hình thức lĩnh lãi cuối kỳ, người gửi chỉ được nhận 6-7%/ năm, mức giảm khá lớn tính từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, dù lãi suất huy động giảm, nhưng lượng tiền gửi vẫn cao hơn rất nhiều so với số tiền cho vay và TPCP là lựa chọn tối ưu cho các ngân hàng trong bối cảnh nguồn vốn ứ đọng, chưa tìm được đầu ra.
Nhận định về thực tế này, các chuyên gia cho rằng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2013 là 12%, cao hơn so với số thực hiện năm 2012 là 7%. Nhưng, nếu tăng trưởng tín dụng quý I-2013 tiếp tục âm, sẽ lại tái hiện hình ảnh nền kinh tế đầu năm 2012 với tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng huy động. Như vậy, cả hai chỉ tiêu tăng trưởng và lạm phát đều không dựa trên năng suất lao động, mà dựa chủ yếu vào sự thắt chặt chính sách tiền tệ, dẫn đến làm "nguội hóa" nền kinh tế.
Cần "nắn" lại dòng tiền
Trước những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02, với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Trong đó nhấn mạnh, việc Chính phủ và các bộ, ngành có trách nhiệm tạo cơ chế thuận lợi nhất cho các DN bất động sản giải phóng hàng tồn kho, cơ cấu lại sản phẩm và tiếp cận vốn vay. Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước dành lượng vốn hợp lý (tối thiểu 3% tổng dư nợ của từng ngân hàng) để cho người thu nhập thấp và cán bộ, công chức thuê, mua nhà. Các đối tượng này cũng có cơ hội vay lãi suất thấp từ nguồn tái cấp vốn, khoảng 20-40 nghìn tỷ đồng, thời hạn 10 năm để cho vay thuê, mua nhà.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam cần sớm xây dựng một nền kinh tế dựa vào sức mua thị trường nội địa. Bởi, theo phản ánh của nhiều hiệp hội DN, lượng hàng tồn kho của các đơn vị hiện ở mức rất cao, trong khi sức mua trên thị trường trong quý I đã giảm mạnh. Trước mắt, cần sớm đưa ra những giải pháp hiệu quả nhằm giúp DN giải phóng hàng tồn kho thì mới có thể tính đến việc DN tiếp tục vay vốn ngân hàng mở rộng SXKD, qua đó giúp nền kinh tế phát triển trở lại. TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tâm lý tiêu dùng của người dân đang thay đổi. Nếu như trước đây xu hướng mua sắm hàng hóa xa xỉ, giá cao chiếm ưu thế, thì hiện nay những mặt hàng được giảm giá, khuyến mại là sự lựa chọn số 1 của người tiêu dùng. Để hỗ trợ DN, Nhà nước cần có chính sách hợp lý về thuế nhằm giúp cộng đồng DN có thể vượt qua giai đoạn khó khăn, tiếp tục vay vốn mở rộng SXKD từ đó đóng góp vào NSNN. Cùng quan điểm này, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị TP Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh sức mua trên thị trường còn yếu, Nhà nước cần đưa ra những chính sách cụ thể nhằm kích cầu tiêu dùng và giảm thuế VAT chính là một hành động thiết thực. Một vỉ trứng gà bán tại siêu thị với giá hơn 30.000 đồng chịu thuế VAT 10% là quá cao. Thay vì điều này, chúng ta có thể điều chỉnh giảm thuế, kích thích tiêu dùng và như vậy, thay vì chỉ thu được thuế của một số ít người thì lượng tiền thuế vẫn được bảo đảm do sẽ có đông người mua hàng hơn và DN cũng tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, việc điều tiết các chính sách vĩ mô đóng vai trò rất quan trọng. Thông qua những biện pháp hỗ trợ thiết thực của Chính phủ, dòng tiền trên thị trường sẽ được luân chuyển hợp lý, phục vụ đắc lực cho hoạt động SXKD của DN và từng bước đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn hiện nay.