Không “bột” sao gột nên “hồ”
Đời sống - Ngày đăng : 06:37, 13/04/2013
Đây là dịp cả nước tổ chức đợt cao điểm về phổ biến giáo dục pháp luật nhằm khẳng định vị trí, vai trò của Hiến pháp, pháp luật trong quản lý nhà nước và đời sống xã hội; giáo dục cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) và người dân ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật thiết thực với đời sống nhân dân và vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Cũng trong Ngày Pháp luật, các cơ quan, tổ chức biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng, thực thi, phổ biến, giáo dục pháp luật; gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật. Ngay ở giai đoạn xin ý kiến, chủ trương trên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các bộ, ngành, đoàn thể. Đơn vị nào cũng thể hiện quyết tâm nhắc nhở, động viên các bộ phận chức năng, CBCCVC nghiên cứu chấp hành, đưa hoạt động phổ biến pháp luật đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao theo Nghị định 28 của Chính phủ. Tuy nhiên, tiếc là đến giờ, các giải pháp bồi dưỡng điển hình, thu hút người tham gia, khắc phục hạn chế trong tuyên truyền vì còn đơn điệu, không hấp dẫn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục pháp luật lại chưa được đề cập nhiều. Hiện cách phổ biến pháp luật tại các bộ, ngành, cơ quan, địa phương chủ yếu vẫn là tuyên truyền miệng, phát tờ gấp, tờ rơi, qua tủ sách pháp luật. Những cách làm đó trên thực tế chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, chưa tạo được sức hút đối với mọi người. Những biện pháp giáo dục pháp luật khác như thành lập câu lạc bộ, hội thi thu hút đông đảo người tham gia, lại ít được tổ chức, do bộ phận nòng cốt triển khai là báo cáo viên, tuyên truyền viên hoặc cán bộ pháp chế với số lượng quá khiêm tốn, lại kiêm nhiệm nhiều việc. Thế nên, ít ai toàn tâm toàn ý với công tác tuyên truyền và để huy động nguồn lực cho giáo dục phổ biến pháp luật càng không đơn giản. Chẳng có đơn vị nào không thấu bất cập ấy, nhưng ít lãnh đạo muốn tăng người cho bộ phận pháp chế với lý do "đây không phải là lực lượng lao động, sản xuất chính". Minh chứng điển hình là, ở khối doanh nghiệp Nhà nước vì tính chất đặc thù, chỉ bố trí 1 - 2 cán bộ làm công tác pháp chế và thường không được cơ cấu thành tổ chức pháp chế độc lập, còn lồng ghép vào nhiệm vụ của bộ phận tổ chức trong văn phòng. Điều đáng quan tâm hơn, hiện nay, tổ chức pháp chế đã được giao thêm nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới như: Theo dõi thi hành pháp luật, trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhưng biên chế không tăng. Chỉ gần 7 tháng nữa là đến "Ngày Pháp luật", đòi hỏi ngay từ bây giờ phải có sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tuyên truyền pháp luật. Câu hỏi đặt ra là chưa có "bột" sao gột nên "hồ"?