Đâu phải chuyện đùa!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:17, 13/04/2013

(HNM) - Dân gian vẫn hay nói


Trong lĩnh vực xây dựng và thực thi pháp luật thì càng đòi hỏi sai sót phải là tối thiểu. Gần đây, dư luận liên tiếp xôn xao về một loạt văn bản của các bộ, ngành "có vấn đề", điển hình là Thông tư 27 của Bộ Công an triển khai quy định việc ghi tên cha mẹ trên chứng minh nhân dân (CMND) theo Nghị định 170/2007.

Ngay khi quy định ghi tên cha mẹ lên CMND được công bố và chuẩn bị triển khai thí điểm, dư luận đã phản ứng khá mạnh, người dân và các chuyên gia pháp luật bày tỏ sự chưa đồng tình bởi nó trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 và Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết năm 1988. Khi ấy những người "có trách nhiệm" vẫn khăng khăng kiên quyết triển khai.

Kết quả là 35.000 công dân của Hà Nội được "thí điểm" cấp CMND mới. Và vì là "thí điểm" nên đã có không ít những phản ánh về các rắc rối mà những người có CMND mới gặp phải khi thực hiện các giao dịch trong cuộc sống. Để rồi mới đây nhất, Thủ tướng đã đồng ý bỏ mục ghi họ tên cha mẹ công dân trên CMND mới, Bộ Công an có trách nhiệm soạn thảo nghị định thay thế Nghị định 170/2007 (quy định ghi tên cha mẹ vào CMND). Trong thời gian chờ nghị định mới, người dân sẽ được phép lựa chọn có hoặc không ghi họ tên cha mẹ trên CMND. Những người đã được "thí điểm" nếu có nhu cầu đổi CMND không ghi họ tên cha mẹ vẫn được chấp nhận.

Thực tế cuộc sống có nhiều điều cho phép chúng ta, hoặc các cơ quan quản lý có thể "thí điểm", tức là chạy thử nếu tốt cho số đông, cho cộng đồng thì thực hiện chính thức. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều điều không nên và không được phép "thử". Trong xây dựng pháp luật càng cần chặt chẽ, hạn chế "thí điểm" bởi việc đưa pháp luật vào cuộc sống không đơn giản chỉ là ban hành là hiệu quả, rồi thích ngừng lúc nào cũng được, sai thì thu hồi văn bản… Một khi chính sách đưa vào cuộc sống không phù hợp sẽ vừa gây tốn kém về kinh tế, gây phiền phức tới người dân, xã hội và đặc biệt hơn là ảnh hưởng đến tính nghiêm minh của pháp luật, dễ tạo ra sự "nhờn luật".

Đáng tiếc là trong trường hợp CMND mới, dù ngay từ khi còn chưa triển khai, những điểm khiếm khuyết của nó đã rõ, nhưng cơ quan chức năng lại không tiếp thu và khắc phục ngay. Suy cho cùng thì chỉ người dân chịu thiệt. Còn những người làm chưa tròn trách nhiệm trong quy trình ban hành dường như chẳng ai bị sao cả. Bất lắm là một lời xin lỗi rồi hòa cả làng.

Chúng ta đang có nhiều văn bản ban hành trái luật hoặc vi phạm các quy định về thủ tục ban hành, nhiều văn bản sai sót đã phải thu hồi. Con số văn bản quy phạm bị Bộ Tư pháp "tuýt còi" được dư luận biết đến là gần 7.000 (năm 2010) đã cho thấy mức độ không nhỏ của tình trạng này.

Đến lúc cần một thái độ trách nhiệm nghiêm túc hơn về việc ban hành văn bản luật.

Tuấn Kiệt