Siêu căn cứ ở Thái Bình Dương

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:45, 12/04/2013

(HNM) - Cùng với sự gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên những ngày qua, có một địa danh nằm cách khá xa nơi này nhưng cũng đã

Trong những tuyên bố mới đây, Triều Tiên cho biết hòn đảo nằm ở tây Thái Bình Dương sẽ là một trong hai "địa chỉ" của Mỹ ở khu vực để thực hiện các vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo tầm xa. Đáp lại, Lầu Năm góc cũng khẳng định sẽ triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa mặt đất (THAAD) đến Guam để bảo vệ các căn cứ quân sự tại đây. Vậy hòn đảo có diện tích chỉ hơn 540km2 có vai trò như thế nào trong chiến lược quân sự của Mỹ ở khu vực, đặc biệt trong nhiệm vụ bảo vệ các đồng minh ở Đông Bắc Á?


Là một lãnh thổ có tổ chức nhưng chưa hợp nhất của Mỹ, Guam đã xuất hiện trên hải đồ quân sự thế giới như là một căn cứ chiến lược của quân đội Hoa Kỳ từ Thế chiến thứ hai. Từ hòn đảo này, quân đội Mỹ đã điều khoảng 1.000 chiếc B-29 bay tới quần đảo Nhật Bản để tiến hành các vụ ném bom trong cuộc đại chiến làm thay đổi thế giới. Cũng từ Guam, máy bay Mỹ đã cất cánh với hai quả bom nguyên tử để hủy diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8-1945. Kể từ đó, căn cứ quân sự này ngày càng có ý nghĩa quan trọng trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng quân sự của Mỹ ở quy mô toàn cầu, với 7.500 lính đang đồn trú tại đây. Quân đội Mỹ cũng sử dụng hơn 30% diện tích của hòn đảo. Vị trí địa lý tự nhiên được xem là lợi thế chiến lược của Guam khi nó chỉ nằm cách Tokyo (Nhật Bản) và Manila (Philippines) 3 giờ bay; cách Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc) và Seoul (Hàn Quốc) 4 giờ bay; cách Singapore và Bali (Indonesia) 5 giờ bay; cách Bangkok (Thái Lan), Sydney (Australia) 6 giờ bay. Điều đó có nghĩa là Guam nằm cách tất cả các trọng điểm quan trọng của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tối đa là 6 giờ bay.

Hiện tại, cảng Apra ở Guam đã được xây dựng thành căn cứ hải quân hiện đại của Mỹ với 3 tàu ngầm lớp Los Angeles là USS City of Corpus Christi, USS Houston và USS Buffalo. Ngoài ra, hòn đảo cũng là "mái nhà chung" của các loại máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ gồm B-52H, B-1B, B-2A… cùng một số đơn vị máy bay chiến đấu, máy bay tiếp dầu, trực thăng khác. Guam cũng được "tin tưởng" để trở thành nơi đồn trú của hàng chục đơn vị hoạt động hỗ trợ cho Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, Hạm đội Thái Bình Dương, Hạm đội 7 và Hạm đội 5 của Mỹ. Trong đó, căn cứ Andersen trên đảo có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động linh hoạt và đặc biệt cho Bộ Chỉ huy của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương và Đông Á, cũng như hỗ trợ trong cả các cuộc xung đột cục bộ lẫn tác chiến lâu dài. Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng như vậy, Guam được ví như "tàu sân bay khổng lồ" của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Nhằm đối phó với sự thay đổi cán cân quân sự tại khu vực, Lầu Năm góc đã có kế hoạch xây dựng một "siêu căn cứ quân sự" tại Guam với tổng chi phí dự kiến lên tới hơn 11 tỷ USD và có thể hoàn thành vào năm 2014. Theo đó, tiền đồn tinh nhuệ của quân đội Mỹ sẽ có bến đậu cho tàu sân bay hạt nhân, hệ thống tên lửa phòng thủ và các thao trường tập huấn bắn đạn thật... Cùng quyết định duyệt chi mạnh tay nhất cho hạ tầng cơ sở hải quân của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua, số dân khoảng 173.000 người trên đảo sẽ đón khoảng 19.000 gia đình của lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ đảo Okinawa của Nhật Bản tới định cư khi việc nâng cấp hoàn thành.

Kế hoạch đầu tư lớn nhất của Mỹ vào căn cứ quân sự Guam kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai cũng góp phần khẳng định chiến lược xoay trục về Châu Á của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Với sự hiện diện ngày càng lớn ở hòn đảo tại Thái Bình Dương, có lý do để tin rằng Mỹ vẫn đang khẳng định vị thế là một cường quốc biển.

Đình Hiệp