Liên minh HTX Hà Nội: Hướng mạnh về nông nghiệp, nông thôn

Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 12/04/2013

(HNM) - Ngày 11-4 hằng năm được Nhà nước ta chọn là ngày Hợp tác xã Việt Nam - ngày kỷ niệm lớn của kinh tế tập thể cả nước.

Đối với Liên minh HTX Hà Nội, ngày này là dịp để các đơn vị trong ngôi nhà chung của KTTT Thủ đô nhắc nhau nêu cao trách nhiệm, phát huy vai trò trong xây dựng và phát triển kinh tế địa phương, vinh danh điển hình tiên tiến... nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Sản xuất rau, quả an toàn tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Đan Phượng đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Bá Hoạt


Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Đan Phượng (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) - ông Nguyễn Văn Thông cho biết: Nếu như năm 2011, HTX đạt doanh thu trên 6 tỷ đồng thì năm 2012, doanh thu đã đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng, tăng gần 50%, mức tăng trưởng khá cao đối với một HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay. Để tăng doanh thu, tạo thêm việc làm, thu nhập cho xã viên và người lao động, HTX đã mạnh dạn tham gia một số hoạt động dịch vụ khác như vệ sinh môi trường, kinh doanh điện dân sinh, giống vật tư nông nghiệp… Từ đó dành được quan tâm nhiều hơn đến công tác bảo đảm vệ sinh an toàn lao động cũng như tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, trong đó đáng chú ý là thực hiện dự án "Đầu tư sản xuất rau an toàn" trên diện tích 5ha, với tổng kinh phí trên 13 tỷ đồng. Nhờ vậy, trong xây dựng NTM của xã Đan Phượng, không chỉ tiêu chí HTX hoạt động hiệu quả đạt mà nhiều tiêu chí khác như: điện, vệ sinh môi trường, thu nhập của người dân của xã cũng đều đã đạt nhờ có sự đóng góp của HTX Dịch vụ nông nghiệp Đan Phượng.

Cùng với Đan Phượng, nhiều HTX dịch vụ nông nghiệp khác ở khu vực ngoại thành cũng đang có nhiều nỗ lực, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. HTX nấm Sáng Thiện (xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn) được thành lập tháng 7-2010, từ chỗ chỉ có 10 xã viên với số vốn điều lệ khoảng 160 triệu đồng, đến nay đã có gần 20 xã viên tham gia với diện tích trồng nấm gần chục nghìn mét vuông. Doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 800 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm cho 65 lao động địa phương với mức lương 1,5 - 2 triệu đồng/tháng.

Còn HTX Triều Khúc, huyện Thanh Trì lại thành công trong việc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh dịch vụ tổng hợp có hiệu quả. Với nhiều loại hình dịch vụ như: Quản lý kinh doanh điện, nước sinh hoạt, dịch vụ nhà trọ, bãi đỗ xe… HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động, đóng vai trò chủ lực cùng địa phương trong việc tham gia xây dựng, kiến thiết các công trình phúc lợi xã hội trên địa bàn với kinh phí mỗi năm lên tới cả trăm triệu đồng…

Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Phạm Văn An cho biết, khu vực KTTT của thành phố, bên cạnh những điển hình, bứt phá cũng còn nhiều khó khăn về tư liệu sản xuất, hạ tầng kinh doanh, kinh nghiệm quản lý. Lãnh đạo không ít HTX vẫn còn tâm lý thụ động trông chờ ỷ lại, thiếu chủ động sáng tạo trong cách nghĩ cách làm… Do vậy, bên cạnh nhiệm vụ tham mưu với lãnh đạo thành phố tuyên truyền và triển khai các chủ trương, chính sách phát triển KTTT và HTX, năm 2013, Liên minh HTX thành phố chủ trương nâng cao vai trò Thường trực Ban chỉ đạo KTTT, hướng mạnh về phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động cụ thể sẽ là: Tăng cường nhiều hơn các cuộc giao ban về HTX ở 29 quận, huyện trên địa bàn; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX điển hình trên các lĩnh vực, củng cố và phát triển HTX gắn với xây dựng nông thôn mới theo các đề án, chương trình chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP; tổ chức 52 lớp tập huấn cán bộ chủ chốt HTX, hỗ trợ 450 dự án vay vốn của HTX, tổ hợp tác với tổng số tiền 120 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX… Đặc biệt là chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp mà nòng cốt là các xã viên nông dân đi đầu trong tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện, khả năng của HTX và yêu cầu thực tế của địa phương.

Bạch Thanh