Nhà văn Phan Việt: Xã hội Việt Nam hiện tại có nhiều điều hay để viết

Văn hóa - Ngày đăng : 07:01, 11/04/2013

(HNM) - Nhà văn trẻ Phan Việt (sinh năm 1978) hiện đang giảng dạy đại học tại Mỹ, đã xuất bản một số tiểu thuyết, truyện ngắn, du ký. Chị cũng là người đồng sáng lập tủ sách


Từ Mỹ, nhà văn Phan Việt chia sẻ với Hànộimới quanh công việc sáng tác, dịch sách của chị.



- Kể từ tác phẩm đầu tay "Phù phiếm truyện" từng được trao giải cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 (năm 2005) đến nay, dễ thấy mảnh đất hiện thực được khai thác, tái tạo trong các tác phẩm của chị chủ yếu là cuộc sống ở nước ngoài. Khi viết, chị có ý thức rõ về điều này, sử dụng chúng để tạo sự mới mẻ cho độc giả?

- Không, tôi không ý thức về sự mới mẻ. Đơn giản, đó chính là cuộc sống ở xung quanh tôi trong những năm qua, nó là cái gợi cảm hứng đối với tôi. Tôi rất muốn viết về Việt Nam, nhưng tự nghĩ mình cần phải kiên nhẫn. Ở nước ngoài, mình là người mới đến, chỉ cần mô tả sự khác của họ là được rồi. Nhưng viết về Việt Nam thì không thể như thế. Sau bộ sách "Bất hạnh là một tài sản", tôi sẽ ra một cuốn tiểu thuyết hoàn toàn về Việt Nam.

- Những năm gần đây, có khá nhiều cây bút người Việt ở nước ngoài tạo được dấu ấn qua việc khai thác mảng đề tài nước ngoài, dù mỗi người chọn thể loại, phong cách khác nhau… như Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Phan Quế Mai, Dương Thụy, Ngô Thị Giáng Uyên… Chị có nghĩ đó là mảng sáng tác sống động trong đời sống văn học Việt Nam đương đại?

- Ở vào thời điểm này, viết về thế giới bên ngoài đúng là dễ hấp dẫn bạn đọc trong nước. Nhưng tôi nghĩ đó không đơn giản chỉ là chuyện đề tài. Cá nhân tôi thấy xã hội Việt Nam hiện tại có quá nhiều điều hay để viết, và đó mới chính là cái mới đáng quan tâm thực sự. Nếu viết tốt thì có thể tạo sức hấp dẫn hơn nhiều so với những thứ có tính ngoại.

- Tại sao lại có bộ sách "Bất hạnh là một tài sản", thưa chị? Hai cuốn tiếp theo sau "Một mình ở Châu Âu" có tên gọi là gì, bao giờ có thể ra mắt bạn đọc?

- Mấy năm vừa rồi, cuộc sống của tôi có nhiều thay đổi, tôi ly hôn và tìm việc ở Mỹ. Tôi chắc chắn mình không phải là người đầu tiên trải qua những khó khăn này, nhưng khi muốn tìm hiểu xem người Việt Nam trải qua những chuyện đó thế nào thì tôi không tìm thấy thông tin ở đâu cả, bởi hầu như không có ai viết ra những chuyện này - những câu chuyện cá nhân. Chúng ta đều im lặng, mỗi chúng ta tự vật lộn một mình. Và tôi muốn phá vỡ, một chút, sự im lặng này!

Cuốn tiếp theo "Một mình ở Châu Âu" có tên "Xuyên Mỹ", sẽ ra mắt vào mùa hè này. Còn cuốn thứ ba có tên "Về nhà", sẽ ra vào năm sau.

- Là người đồng sáng lập tủ sách "Cánh cửa mở rộng" với Giáo sư Ngô Bảo Châu và NXB Trẻ, cá nhân chị mong mỏi điều gì cho bạn đọc Việt Nam qua việc dịch và giới thiệu những tác phẩm nước ngoài tiêu biểu?

- Tôi mong bạn đọc Việt Nam có thêm sách để đọc, học cách đọc sách, thích cái thế giới mà những cuốn sách mở ra, và rồi sẽ giữ sách thường trực trong cuộc sống của họ. Tôi cũng tin là những đứa trẻ đọc sách hoặc lớn lên trong gia đình thích đọc sách thì sau này sẽ tận hưởng cuộc sống sâu sắc hơn.

- Chị có thường xuyên về Việt Nam không?

- Bố mẹ, các chị em của tôi đều đang ở Hà Nội. Tới đây, hè nào tôi cũng sẽ về và đưa cả sinh viên Mỹ về Việt Nam học. Có thể tôi cũng sẽ tham gia giảng dạy ở Hà Nội. Công việc của tôi ở Việt Nam cũng ngày càng nhiều, vì vậy, tôi nghĩ tôi sẽ về Việt Nam nhiều hơn.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

Thi Thi thực hiện