Giá vàng trong nước vẫn chưa “hạ nhiệt”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:41, 11/04/2013

(HNM) - Phiên đầu tiên được tổ chức ngày 28-3, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 5 phiên đấu thầu vàng miếng, với hàng nghìn lượng vàng được chào bán mỗi phiên.

Giá vàng trong nước vẫn đang ở mức cao. Ảnh: Trọng Hải


Không thể kỳ vọng giá vàng trong nước sẽ tiệm cận giá vàng thế giới ngay tức thì song hầu hết người dân đều mong đợi khoảng cách giữa hai thị trường sẽ được rút ngắn lại. Tuy nhiên, mức chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới lại ngày càng được nới rộng từ 3 triệu đồng/lượng lên gần 4 triệu đồng/ lượng. Trước đó 1 tháng, khi NHNN và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ký hợp đồng nguyên tắc gia công vàng miếng, khoảng cách giữa hai thị trường được kéo từ mức 5 triệu đồng/lượng xuống khoảng 3 triệu đồng/lượng. Nhiều người vẫn tưởng sau thời điểm đó giá vàng trong nước sẽ "hạ nhiệt" để sát với giá thế giới nhưng giá vàng trong nước lại không ngừng "leo thang". Đến khi NHNN tổ chức đấu thầu vàng miếng, thị trường vàng vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Nhìn lại những phiên đấu thầu vàng vừa qua, nhiều người vẫn chưa hết ấn tượng với phiên đầu tiên khi NHNN đưa ra số lượng đấu thầu là 26.000 lượng vàng song chỉ có 2.000 lượng trúng thầu, bởi mức giá được đưa ra cao hơn mức giá thị trường. Những phiên đấu thầu tiếp theo được đánh giá là "chuẩn" hơn, với mức giá đưa ra đấu thầu khá sát với giá thị trường, thậm chí còn thấp hơn. Song vấn đề mà nhiều người quan tâm là việc tung thêm vài chục nghìn lượng vàng ra thị trường sẽ có tác động đến giá vàng, kéo giá vàng xuống thấp hơn để sát với giá thế giới.

Tính đến hết ngày 10-4, đã có 5 phiên đấu thầu được tổ chức, với tổng lượng vàng trúng thầu là 118.200 lượng. Tuy nhiên, trên thị trường Hà Nội, ngày 10-4, trong khi giá vàng miếng SJC đạt 43,25 triệu đồng/lượng (mua vào) - 43,35 triệu đồng/lượng (bán ra), thì giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.580 USD/ounce (thời điểm 15h theo giờ Việt Nam). Với mức giá này, quy đổi ra VND theo tỷ giá của Vietcombank là 20.930 VND/USD, giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 4 triệu đồng/lượng. Nếu lựa chọn loại vàng miếng khác không phải thương hiệu SJC, độ chênh được kéo xuống chỉ còn hơn 1 triệu đồng/lượng, chẳng hạn vàng miếng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu niêm yết phổ biến ở giá 41,1 triệu đồng/ lượng (mua vào) - 41,35 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giải thích về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, giá vàng thường có diễn biến phức tạp, khó lường và phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố tâm lý và diễn biến giá vàng quốc tế. Thị trường cũng cần thời gian và có độ trễ nhất định để "hấp thụ" lượng vàng của NHNN đưa ra thông qua các tổ chức tín dụng (TCTD), DN đã trúng thầu.

Theo NHNN, hiện thị trường vàng miếng trong nước đang bị mất cân đối cung - cầu, do vậy NHNN sẽ thực hiện mục tiêu bình ổn thị trường thông qua việc tăng cung. Tuy nhiên, vàng miếng không phải mặt hàng thiết yếu phải bình ổn giá, cùng với đó diễn biến của giá vàng trong nước cũng gắn với giá quốc tế nên khó lường. Khi tăng cung vàng miếng ra thị trường, NHNN đã phân tích, đánh giá về nhu cầu vàng miếng, trong đó có nhu cầu của một số TCTD phải mua vàng để tất toán số dư vàng huy động đúng hạn, các TCTD này sẽ ưu tiên mua vàng để tất toán số dư đó. Mục tiêu trước hết của NHNN là định hướng, dẫn dắt thị trường, nhưng khi can thiệp trên thị trường, NHNN cũng phải tuân thủ các quy định liên quan tới an toàn dự trữ ngoại hối nhà nước.

Vẫn biết chính sách cần một "độ trễ" nhất định nhưng người dân không thể tiếp tục phải mua vàng với mức cao như hiện nay. Theo các chuyên gia, để hạn chế tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không thể dùng biện pháp hành chính là cho phép độc quyền một thương hiệu vàng, bởi hình thức này sẽ khiến giá một thương hiệu vàng bị đẩy lên quá cao. Hơn nữa, ngành chức năng cũng nên cấm sử dụng vàng để quy đổi ra giá trị các loại hàng hóa khác... 

Đức Anh