Hà Nội sẵn sàng đối phó với dịch cúm A/H7N9
Xã hội - Ngày đăng : 05:58, 11/04/2013
Theo đó, ngành y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống dịch phù hợp với từng cấp độ của dịch; tổ chức giao ban định kỳ hằng tuần hoặc giao ban đột xuất khi cần thiết; trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp lan rộng (tình huống 4) thì tổ chức giao ban hằng ngày để kịp thời chỉ đạo công tác phòng chống; tăng cường giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân; đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống cho cộng đồng; yêu cầu các đơn vị trực thuộc, các đơn vị y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, máy móc trang thiết bị, vật tư chuyên dụng, trang bị bảo hộ, khu vực cách ly và nhân lực để đối phó với dịch.
Ảnh minh họa |
Về phân tuyến điều trị tại Hà Nội, trong tình huống 1, khách nhập cảnh nghi mắc bệnh sẽ được chuyển tuyến về BV Đa khoa Bắc Thăng Long (hành khách là người Việt Nam) và về BV Bệnh nhiệt đới TƯ (khách nước ngoài). Ở tình huống 2 và 3, chuyển bệnh nhân về BV Đa khoa Đống Đa, trường hợp bệnh nặng, vượt quá khả năng điều trị của BV Đa khoa Đống Đa thì chuyển bệnh nhân tới BV Bệnh nhiệt đới TƯ. Tình huống 4, khi dịch bùng phát với số lượng người mắc lớn, sẽ thực hiện phân tuyến nhận bệnh nhân. Nếu số bệnh nhân tăng cao, vượt khả năng đáp ứng của các BV tiếp nhận thì các BV tuyến dưới chuyển bệnh nhân lên các BV đa khoa hạng I (BV Xanh Pôn, BV Thanh Nhàn)…
Hôm qua, 10-4, lãnh đạo BV Bắc Thăng Long cho biết: BV đã thành lập Ban chỉ đạo, chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch, lập đội cấp cứu, đội phòng chống dịch lưu động. Khoa Truyền nhiễm của BV hiện có khu cách ly riêng, 2 máy thở, 2 máy truyền dịch, 1 máy X quang di động và trang thiết bị y tế cần thiết, sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm cúm.
Theo ông Nguyễn Tiến Hòa - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, hiện công tác giám sát dịch tại cửa khẩu đang được trung tâm thực hiện nghiêm theo quy định. Với 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại và 2 phòng cách ly đặt tại sân bay Nội Bài, tất cả khách nhập cảnh đều được đo thân nhiệt nhưng đến nay chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ. Hiện nay, lực lượng cấp cứu của Trung tâm Vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội đã được huy động thường trực tại sân bay.
* Cũng trong ngày 10-4, Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho 5 đội cơ động phòng chống cúm A/H7N9.
* Chiều cùng ngày, Bộ Y tế khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc cúm A/H7N9 và đường lây truyền của vi rút cúm A/H7N9 hiện tại chưa được làm rõ, chưa có bằng chứng về sự lây truyền vi rút từ người sang người.
Theo "Hướng dẫn phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh" vừa được Bộ Y tế ban hành, có thể phân loại ca bệnh nghi ngờ mắc cúm A/H7N9 và ca bệnh xác định mắc loại cúm này. Các ca bệnh nghi ngờ có yếu tố dịch tễ tiếp xúc với cúm A/H7N9 trong vòng hai tuần như: Có tiền sử đi vào vùng dịch tễ hoặc sống trong vùng dịch tễ có ca bệnh cúm A/H7N9; tiếp xúc gần với gia cầm và một số loài chim bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, thịt gia cầm bị bệnh chưa nấu chín...); tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, hoặc đã xác định là mắc cúm A/H7N9; người bệnh có biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp, bao gồm: sốt, ho, khó thở, có tổn thương nhu mô phổi (viêm phổi hoặc hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS) tiến triển nhanh dựa trên lâm sàng hoặc hình ảnh X quang); không tìm được bằng chứng nhiễm trùng do các căn nguyên khác gây viêm phổi. Các ca bệnh xác định là ca bệnh nghi ngờ như đã nêu trên và được khẳng định bằng xét nghiệm PCR/giải trình tự gen/phân lập vi rút cúm A/H7N9. Nguyên tắc điều trị: Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại BV, cách ly và được làm xét nghiệm đặc hiệu để xác định bệnh; ca bệnh xác định cần được nhập viện điều trị và cách ly hoàn toàn; sử dụng thuốc kháng vi rút (oseltamivir hoặc zanamivir) càng sớm càng tốt; hồi sức hô hấp để bảo đảm giữ SpO2 >_ 92% và điều trị suy đa tạng (nếu có).