Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn: Tắc tại Sở Xây dựng Hà Nội?
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:02, 10/04/2013
Ngày 2-4, phóng viên (PV) Báo Hànộimới đến NMXLCT Xuân Sơn của HTX Thành Công, ngỡ ngàng chứng kiến 3 dãy nhà xưởng rộng thênh thang cùng hệ thống dây chuyền phân loại rác, lò đốt rác… chỉ hoạt động "cầm chừng".
Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn hoàn thành đã lâu nhưng chưa được phép vận hành. |
Hiện tại HTX Thành Công đang thu gom, vận chuyển khoảng 700 tấn rác thải/ngày của 5 quận, huyện (Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất). Lượng rác này được vận chuyển lên Khu liên hiệp xử lý chất thải (XLCT) Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) để chôn lấp mặc dù hiện nay, các hố chôn lấp rác của thành phố đều ở trong tình trạng quá tải. Theo tính toán của HTX Thành Công, nếu NMXLCT Xuân Sơn sớm được đưa vào hoạt động, khoảng 1/3 lượng rác thu gom ở các quận, huyện sẽ không phải chôn lấp mà được đốt và tái chế… Vậy nguyên nhân nào khiến cho NMXLCT Xuân Sơn ở trong cảnh "bắc nước chờ gạo người", công nhân không có việc làm, trong khi vốn HTX đầu tư xây dựng nhà máy lên đến hàng chục tỷ đồng, nay bị "treo" máy?
HTX Thành Công là đơn vị đi đầu trong lĩnh vực xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn Hà Nội. Xuất phát từ thực trạng rác thải sinh hoạt địa bàn phía tây TP ngày càng ùn ứ, các bãi chôn lấp rác đã quá tải, UBND TP đã chấp thuận cho HTX Thành Công xây dựng NMXLCT tại Khu liên hiệp XLCT Xuân Sơn, với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỷ đồng, công suất xử lý 300 tấn rác/ngày. Mục tiêu của dự án (DA) là xử lý và tái chế chất thải rắn thành các sản phẩm có giá trị kinh tế, giảm chôn lấp và tái ô nhiễm thứ cấp. Sau gần một năm triển khai xây dựng, cuối năm 2012 nhà máy đã cơ bản hoàn thành. Những tưởng nhà máy sẽ đi vào vận hành ngay, góp phần xử lý hết lượng rác thải tồn ứ cho các huyện ngoại thành, nhưng thực tế lại không suôn sẻ.
Theo công văn số 54/CV-HTX ngày 19-3-2013 của Công đoàn HTX Thành Công: Ngay sau khi hoàn thành việc xây dựng và lắp đặt dây chuyền xử lý rác, hệ thống xử lý nước rỉ rác, lò đốt và một số hạng mục phụ trợ, HTX có văn bản đề nghị Sở Xây dựng cho phép HTX được nhận 2.000 tấn rác để chạy thử và hiệu chỉnh kỹ thuật (không tính chi phí). Mặc dù Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã "bút phê" chỉ đạo, nhưng ông Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật, môi trường và công trình ngầm (HTKT, MT&CTN) Trần Trọng Hiếu lại không thực hiện mà quay ra "hành" HTX, yêu cầu phải hoàn thành các thủ tục thanh, kiểm tra của Sở TN-MT và các thủ tục của các phòng, ban liên quan trước thì mới được nhận rác vào chạy thử (?)…
Ông Phạm Thiện Chiến, Giám đốc NMXLCT Xuân Sơn bất bình: "Nhà máy được xây dựng bằng 100% nguồn vốn HTX tự huy động, hơn nữa trước đó, toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị đã được các sở, ngành của TP thẩm định. Để vận hành dây chuyền và hiệu chỉnh kỹ thuật thì phải có nguyên liệu (rác thải) mới có thể kiểm tra, đánh giá được chứ? Đòi hỏi của ông Hiếu là hết sức vô lý. Chúng tôi trực tiếp kiến nghị lãnh đạo Sở, lúc đó ông Hiếu mới thực hiện theo sự phân công".
Chỉ đạo một đằng, thực hiện một nẻo
Sau khi hoàn tất chạy thử nghiệm (ngày 4-3), HTX Thành Công mời các sở, ngành liên quan của thành phố đến thẩm định, đánh giá quá trình chạy thử nghiệm. Kết quả, các tiêu chuẩn kỹ thuật như khói, bụi, nhiệt độ… đều đạt tiêu chuẩn cho phép và các sở, ngành đều đồng ý (bằng miệng) để dây chuyền công nghệ XLCT đi vào hoạt động. HTX cũng đã mời Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) kiểm tra, phân tích khí thải tại lò đốt rác. Ngày 11-3, HTX Thành Công có công văn số 306/CV-HTX, gửi Sở Xây dựng, đề nghị "cho phép kết thúc quá trình chạy thử nghiệm và phân luồng rác, bắt đầu tiếp nhận rác về xử lý từ ngày 17-3-2013". Mặc dù lãnh đạo Sở chỉ đạo "kiểm tra, chấp thuận theo đề nghị của HTX, báo cáo UBND TP theo quy định", nhưng Trưởng phòng HTKT, MT&CTN lại yêu cầu HTX Thành Công báo cáo về công nghệ vận hành, xử lý môi trường, tái chế (?).
Ngày 14-3, HTX Thành Công có báo cáo giải trình số 308/BC-HTX và được lãnh đạo Sở Xây dựng "bút phê": "Cho tiếp nhận theo đề xuất, nghiệm thu, báo cáo thành phố ngay". Tuy nhiên, ông Hiếu lại "chỉ đạo" HTX phải báo cáo về quy hoạch chi tiết và công nghệ sản xuất của nhà máy (?). Việc làm này rõ ràng là cố tình "thẩm định ngược", gây bức xúc cho HTX Thành Công. Không chỉ đạo được ông Hiếu, lãnh đạo Sở Xây dựng đành phải giao cho Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (trực thuộc Phòng HTKT, MT&CTN) thực hiện việc chấp thuận theo đề xuất của HTX Thành Công; phối hợp với Phòng HTKT, MT&CTN làm báo cáo trình thành phố. Theo đó, Ban Duy tu có công văn số 368/CV-BDT ngày 15-3-2013 gửi Sở Xây dựng, đề nghị cho phép HTX Thành Công tiếp tục nhận rác để vận hành chính thức dây chuyền theo đề xuất của HTX và công văn số 374/CV-BDT ngày 18-3-2013 về việc phân luồng rác trên địa bàn các quận, huyện Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức.
Được biết, Ban Duy tu đã soạn dự thảo văn bản gửi UBND TP về việc tiếp tục phân luồng rác về xử lý tại NMXLCT Xuân Sơn. Theo quy định, văn bản này phải qua lãnh đạo Phòng HTKT, MT&CTN kiểm duyệt. Nhưng Trưởng phòng Hiếu lại đề nghị HTX Thành Công tiếp tục "chạy thử" dây chuyền, không xác định khối lượng để thanh quyết toán sau này. Chủ nhiệm HTX Thành Công ấm ức: "Nếu nhà máy phải tiếp tục chạy thử, khi mà chi phí xử lý 250 tấn rác/ngày lên tới 70 triệu đồng, thì doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, đẩy hàng trăm người vào cảnh khốn khó, không có thu nhập vì mất việc. Đấy là còn chưa tính đến thiệt hại kinh tế do ông Hiếu đã gây ra cho nhà máy từ ngày 5-3 đến 17-3 vừa qua…".
Để làm rõ vấn đề, chiều 2-4, PV Báo Hànộimới đặt lịch làm việc với lãnh đạo Sở Xây dựng. Đến ngày 4-4, chưa nhận được thông tin phản hồi, PV chủ động liên lạc với Giám đốc Sở Xây dựng thì được biết đã giao cho ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc và Thanh tra Sở làm rõ phản ánh của HTX Thành Công. Tuy nhiên, khi PV liên lạc với ông Dục và đề nghị được làm việc, thì ông Dục cho biết đã "nghỉ ốm mấy ngày rồi" (?).
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Hiếu không hiểu quy trình đầu tư DA, cố tình lờ đi sự chỉ đạo của lãnh đạo Sở, hay vì lý do cá nhân nên đến nay vẫn chưa tham mưu để Sở Xây dựng trình UBND TP ra quyết định, cho phép NMXLCT Xuân Sơn chính thức hoạt động? Việc DN tự bỏ 100% vốn đầu tư DA xử lý rác, phục vụ nhân dân các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội còn bị "hành" như vậy, liệu có còn DN nào dám tự bỏ 100% vốn để "mua dây buộc mình"?
Tình trạng các khu xử lý, chôn lấp rác của Hà Nội (Xuân Sơn, Nam Sơn) đều quá tải và đã được nâng cốt, hòa ô, đào hố khẩn cấp… nhưng chỉ là giải pháp tình thế. Trung bình mỗi quận, huyện có hơn 100 tấn rác thải sinh hoạt/ngày. Trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Trì, Quốc Oai…, các ao, hồ, bờ sông, chân cầu, lề đường cho đến bãi đất trống đầu ngõ, trong xóm, khu dân cư… đều bị "biến" thành nơi chứa rác thải sinh hoạt, làm tăng nguy cơ phát tác dịch bệnh, đe dọa sức khỏe con người… HTX Thành Công là DN đầu tiên tự bỏ vốn xây dựng NMXLCT với quy mô hiện đại, góp phần tích cực trong việc xử lý rác thải, giảm chôn lấp và mang lại hiệu quả khả quan cho môi trường thành phố. Thế nhưng, công trình hàng chục tỷ đồng này không biết còn bị "ách" đến bao giờ?
Ngay sau khi tiếp nhận kiến nghị của HTX Thành Công, ngày 8-4-2013, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 2476/UBND-TNMT, do Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh ký, chỉ đạo: "Giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo, xem xét, kết luận, giải quyết các nội dung phản ánh, kiến nghị, tố cáo theo thẩm quyền… Xem xét kết quả vận hành chạy thử dây chuyền nhà máy xử lý chất thải rắn và sản xuất nguyên liệu tái tạo của HTX Thành Công làm cơ sở để chủ đầu tư hiệu chỉnh bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, chủ động phân luồng vận chuyển rác thải đến nhà máy để bảo đảm khối lượng xử lý…; phê duyệt quy trình vận hành để đưa nhà máy vào vận hành chính thức, báo cáo kết quả thực hiện về UBND TP trước ngày 20-4-2013…".
16h ngày 9-4-2013, trả lời PV Hànộimới về tiến độ giải quyết kiến nghị của HTX Thành Công theo chỉ đạo của UBND TP, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng cho biết: Hiện Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy khối đã thành lập tổ công tác làm việc với Sở Xây dựng về những kiến nghị của HTX Thành Công.