Hà Nội: Mở rộng kênh phân phối tại thị trường nông thôn

Kinh tế - Ngày đăng : 06:21, 10/04/2013

(HNM) - Trong năm 2013, các doanh nghiệp Hà Nội sẽ tổ chức 400 chuyến bán hàng Việt lưu động đến các xã khu vực vùng sâu, vùng xa, miền núi, các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Người dân huyện Thạch Thất mua hàng trong ngày Hội chợ vàng khuyến mãi tại huyện. Ảnh: Minh Hương


Theo kế hoạch về việc tổ chức đưa hàng về nông thôn, KCN-KCX trên địa bàn Hà Nội năm 2013, Tổng Công ty Thương mại là đơn vị đảm nhiệm vai trò chính với 176 chuyến hàng tại 19 huyện, thị xã; Công ty CP Thương mại An Việt tổ chức 91 chuyến; các Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển nông nghiệp Hà Nội, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc phối hợp thực hiện 133 chuyến hàng. Những chuyến hàng được đưa đến các huyện, KCN-KCX, chủ yếu tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng như thực phẩm chế biến, đồ gia dụng do DN trong nước sản xuất… Các DN tham gia đều cam kết giá bán lẻ thấp hơn tại thị trường địa phương tối thiểu khoảng 3%, hàng hóa bảo đảm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá bán hợp lý, phù hợp với từng khu vực. Đồng thời, tư vấn giúp người dân có kiến thức về phương pháp tiêu dùng thông minh, cách lựa chọn các sản phẩm nội địa có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, quảng bá sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, nhằm thu hút và khuyến khích người tiêu dùng (NTD) sử dụng hàng Việt. Bên cạnh đó, các địa phương hỗ trợ DN khảo sát thị trường, sức mua của người dân; tuyên truyền cho người dân biết về chương trình, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các DN tiếp cận các KCN-KCX, đưa hàng thiết yếu vào các bếp ăn tập thể, trường học… phục vụ cho người dân, công nhân có thu nhập thấp. Các sở, ngành phối hợp chặt để kịp thời phát hiện các địa phương, DN, cá nhân lợi dụng chương trình để đầu cơ, trục lợi, đưa hàng kém chất lượng vào bán trong các phiên chợ Việt.

Năm qua, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức hơn 400 chuyến hàng Việt về nông thôn, KCN-KCX, triển khai nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Các chuyến đưa hàng Việt với những sản phẩm chất lượng, giá hợp lý về nông thôn đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân địa phương, thu hút được số lượng lớn người dân đến mua sắm. Chương trình không chỉ tạo điều kiện cho lao động khu vực nông thôn có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với sản phẩm mang thương hiệu Việt, được mua sắm và hưởng các dịch vụ chăm sóc khách hàng có chất lượng, giá mua hợp lý, mà còn giúp các DN hiểu rõ nhu cầu của NTD, từ đó điều chỉnh cơ cấu hàng hóa, mở rộng kênh phân phối tại thị trường nông thôn. Đây cũng là một trong những phương thức thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều phiên chợ Việt về nông thôn vẫn đơn thuần là giới thiệu và bán hàng thuần túy, chưa xây dựng được thương hiệu Việt với NTD. Theo nhận định của nhiều DN tham gia chương trình, do thị trường còn phân tán, sức mua thấp, xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao… nên doanh thu chưa cao. Để tiếp tục đồng hành cùng người dân nơi đây, cần phải có một chương trình xúc tiến lớn, một chiến lược bài bản và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ngoài ra, một trong những trở ngại lớn đối với DN khi tiếp cận thị trường nông thôn là các mặt hàng, sản phẩm phải tốt, đẹp nhưng giá phải rẻ. Vì vậy, để chương trình đạt những kết quả khả quan hơn, rất cần sự "tiếp sức" của Nhà nước cho DN trong việc xây dựng hệ thống phân phối qua các đại lý, cửa hàng ở từng địa bàn, chứ không chỉ tổ chức các đợt bán hàng lưu động, hội chợ. Các sở, ngành chức năng cần thực hiện tốt việc quản lý thị trường, chống hàng lậu, hàng nhái tràn lan góp phần tạo thị trường ổn định, lành mạnh cho các DN phát triển.

Thanh Hiền