Dỡ bỏ “rào cản” trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Kinh tế - Ngày đăng : 06:02, 10/04/2013

(HNM) - Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp quá cao so với các quốc gia trên thế giới, chi phí quảng cáo, khuyến mãi bị khống chế khiến DN trong nước không đủ sức cạnh tranh...

Dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi đang được hoàn thiện để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp đầu tháng 5 tới. Theo phản ánh của cộng đồng DN, việc sửa đổi luật thuế này sẽ khuyến khích DN "nói thật", đồng thời hỗ trợ DN có thêm nguồn lực tài chính để phát triển sản xuất, kích thích tiêu dùng trong bối cảnh sức mua giảm mạnh. Song vẫn còn 2 kiến nghị liên quan đến mức thuế TNDN và quy định áp trần khống chế chi phí quảng cáo cần được sửa đổi. TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, đầu mối tổng hợp kiến nghị từ cộng đồng DN cho biết, Dự thảo đã có nhiều điểm "nới" hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, nếu so với một số quốc gia trên thế giới, thuế suất của ta còn cao và chưa thực sự cạnh tranh. Tại Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), thuế suất chỉ ở mức 17%. Hồng Công (Trung Quốc) áp dụng thuế suất 16,5% từ năm 2008. Thái Lan áp dụng thuế suất TNDN phổ thông 20% từ ngày 1-1-2013.

Sửa đổi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Thanh Hải


Các Hiệp hội DN kiến nghị, chi phí khuyến mãi, quảng cáo cần được nâng lên 15-20%/tổng doanh thu của DN và tiến tới dỡ bỏ việc khống chế. Quy định nêu tại Dự thảo sẽ gây thiệt hại cho DN trong nước bởi số thực chi cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị thường cao hơn nhiều mức cho phép. Việc khống chế chi phí quảng cáo sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa DN trong nước với DN FDI, bởi họ thường được hỗ trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài khi thực hiện chiến lược đầu tư nhãn hiệu nên không bị hạn chế chi phí này.

Theo khảo sát của Bộ Tài chính tại 50 nước, hiện chỉ có Việt Nam và Trung Quốc khống chế chi phí quảng cáo của DN. Nhưng Trung Quốc cho phép mức 15%/tổng doanh thu và được chuyển sang năm tiếp theo nếu vượt quá mức trần. Ngoài ra, ngành mỹ phẩm và dược phẩm nước này được áp dụng chi phí 30%/tổng doanh thu… Trong suốt 14 năm thực hiện Luật Thuế TNDN, cộng đồng DN đã tổ chức nhiều buổi đối thoại, kiến nghị sửa đổi, nhưng sau kỳ sửa đổi năm 2008, nhiều vướng mắc vẫn tồn tại, gây trở ngại đáng kể đến hoạt động SXKD.

Thuế suất cần hợp lý

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI, những khó khăn kinh tế đã khiến hàng chục nghìn DN thua lỗ, phá sản trong năm 2012. Vì vậy, việc áp dụng mức thuế suất thuế TNDN hợp lý, cho phép áp dụng chi phí quảng cáo phù hợp sẽ giúp DN có thêm nguồn lực tài chính vượt qua khó khăn và đóng góp tích cực cho ngân sách. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh tồn kho lớn, sức mua giảm.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị TP Hà Nội cho rằng, cơ chế tính thuế hiện nay không khuyến khích DN "nói thật". Trên thực tế, có đến 80% DN nhỏ và vừa lách thuế và trốn thuế. Ông nêu ví dụ của siêu thị Unimart, với mặt bằng 750m2, 2 tầng ở phố Phạm Ngọc Thạch, trung bình mỗi năm nộp các loại thuế là 12 tỷ đồng. Trong bối cảnh sức mua giảm mạnh so với năm trước, bình quân một giỏ hàng vào siêu thị từ 300.000 đồng giảm còn 270.000 đồng kèm theo chi phí tiền lương, bảo hiểm cho nhân viên, DN thực sự khó chống đỡ. Trong bối cảnh sức mua yếu, tồn kho lớn, bài toán là giảm thuế để kích cầu chứ không phải kích cung".

Ghi nhận những ý kiến của cộng đồng DN, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chỉ rõ, khi đưa ra mức thuế suất thuế TNDN sửa đổi và quy định khống chế trần quảng cáo, Ban soạn thảo cũng có những lập luận chặt chẽ. Trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực cải cách hệ thống thuế, việc siết chặt những quy định nhằm hài hòa quyền lợi của Nhà nước, DN và người tiêu dùng là cần thiết. Mặc dù còn nhiều ý kiến xung quanh mức thuế suất, song khảo sát của VCCI cho thấy, những năm gần đây, nếu áp dụng các ưu đãi của Nhà nước về thuế TNDN, thuế suất DN thực nộp chỉ ở mức 17-18%, thấp hơn mức đề xuất 20% mà cộng đồng DN kiến nghị. Ý kiến của cộng đồng DN sẽ được ghi nhận và phản ánh với các đại biểu trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới.

Đối với việc bỏ quy định khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị của DN, việc siết chặt quản lý là cần thiết. Bởi thực tế câu chuyện giá sữa liên tục tăng thời gian qua với lý do tăng chi phí quảng cáo, tiếp thị là minh chứng đáng lưu tâm. Vì vậy, song song với việc siết chặt các quy định nhằm hạn chế tình trạng thất thu ngân sách, cơ quan chức năng cần từng bước sửa đổi phương thức quản lý cho phù hợp, qua đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho DN.

Hương Ly