Quyết liệt siết chặt kỷ cương
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:46, 10/04/2013
Chúng tôi thấy phải làm tốt hơn nữa, mạnh hơn nữa. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố sẽ thực hiện Nghị quyết TƯ 4 trên tinh thần trách nhiệm và ý thức cao nhất thời gian tới… Về hiện tượng "bôi trơn", "chạy chức", "chạy quyền", Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định: Những ai vi phạm, phải xử lý thật nghiêm và không loại trừ bất kỳ trường hợp nào"!
Quả thực là tình trạng "bôi trơn", "chạy chức", "chạy quyền" từ lâu đã trở thành những vấn nạn nhức nhối, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, kìm hãm sự phát triển kinh tế, gây bức xúc trong nhân dân. Tình trạng một bộ phận cán bộ công chức, "chạy chức", "chạy quyền" dẫn tới việc hình thành những liên minh, những nhóm lợi ích. Đặc biệt, khi những nhóm lợi ích này kết hợp với một bộ phận doanh nghiệp làm ăn kiểu "chụp giật" đã tạo ra vấn nạn "bôi trơn", "chạy dự án"… để lại nhiều hệ lụy nhức nhối mà Nhà nước và người dân cùng phải gánh chịu. Bởi vậy, việc xóa nạn "bôi trơn", "chạy chức", "chạy quyền", đồng thời xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có "tâm", có "tầm", đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tiến trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, là đòi hỏi vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ cốt lõi nhằm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Như trên đã nói, "bôi trơn", "chạy chức", "chạy quyền" lâu nay đã trở thành căn bệnh trầm kha, ăn sâu, bám rễ trong đời sống xã hội. Thế nhưng, không phải ai, không phải vị lãnh đạo nào cũng đủ dũng khí để đối mặt, đủ quyết tâm để loại trừ vấn nạn này. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã "bắt đúng bệnh", dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, nghiêm khắc phê bình, chỉ ra những khuyết điểm, sai phạm; đồng thời đã và đang tiếp tục đưa ra các giải pháp quyết liệt nhằm chữa bệnh từ gốc: Đó là siết chặt kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức - những "công bộc của nhân dân".
Nhằm nâng cao năng lực, trách nhiệm, hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ "công bộc của nhân dân", thành phố Hà Nội đã đưa ra hàng loạt giải pháp, trong đó có việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Giải pháp này được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi nạn "chạy chức", "chạy quyền", đánh giá đúng chất lượng cán bộ. Nếu cán bộ bị đánh giá tín nhiệm thấp, thì muốn "chạy" cũng rất khó, vì không lãnh đạo nào bổ nhiệm người có tín nhiệm thấp. Bên cạnh đó, thời gian vừa qua Hà Nội cũng đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ sai phạm, đặc biệt trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Đây là lĩnh vực "nhạy cảm", dễ gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều cán bộ thanh tra xây dựng, cán bộ chính quyền ở các quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Sở Xây dựng và một số huyện đã bị hạ chức, thôi chức; nhiều người bị cảnh cáo, khiển trách… Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, trật tự đô thị, vi phạm trong quản lý đất đai vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thực tế đang đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn, vừa mang tính giáo dục những người trực tiếp thực thi công vụ, vừa mang tính răn đe, ngăn chặn sai phạm.
Hy vọng, với quyết tâm cao của lãnh đạo thành phố và sự đồng thuận của các cấp, các ngành cùng sự giám sát của toàn thể người dân, Hà Nội sẽ có thêm nhiều giải pháp đồng bộ về cơ chế chính sách, đẩy lùi nạn "chạy chức", "chạy quyền", tạo được những chuyển biến tích cực trong kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng cán bộ cơ quan công quyền.