Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư: Còn nhiều việc phải làm
Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 09/04/2013
Cựu chiến binh Phạm Đình Ân, thành viên trong Ban mặt trận khu phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) trong khi dẫn khách đi tham quan đã không giấu được niềm vui bởi những đổi thay trên con phố này. Hoạt động buôn bán dọc phố vẫn diễn ra bình thường nhưng cảnh mất trật tự đô thị hay những xích mích vốn xảy ra như "cơm bữa" trước kia đã không còn. Bây giờ, những dãy xe của khách được xếp ngay ngắn, dọc theo vỉa hè để người đi bộ qua lại dễ dàng, đường phố sạch sẽ, văn minh. Có được sự đổi thay là nhờ cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" (Cuộc vận động). "Bí quyết" của cán bộ khu phố Hàng Ngang là chọn những việc làm thiết thực nhất, gắn liền với quyền lợi, cuộc sống hằng ngày của mọi người, như: Xây dựng "số nhà văn minh, an toàn", "cửa hàng văn minh", "gia đình văn hóa" để hưởng ứng Cuộc vận động… Đồng tình với cách làm của cán bộ khu phố và các đoàn thể như Hội phụ nữ, Cựu chiến binh, nhiều số nhà đông hộ đã xây dựng được quy ước để các hộ dân thực hiện, tạo nếp sống lành mạnh và cùng nói không với các loại tệ nạn xã hội. Từ một khu phố có nhiều "điểm nóng" trong một thời gian dài, Hàng Ngang đã trở thành khu phố văn hóa tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm.
Hàng Ngang đã trở thành “Khu phố văn hóa” tiêu biểu của quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Như Ý |
Tương tự như vậy, cuộc vận động đã mang lại "luồng gió mới" cho người dân ở khu dân cư số 6, phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm). Bác Lê Thế Đạt, Trưởng ban Công tác mặt trận khu phố chia sẻ: Có nhiều tuyến phố kinh doanh ẩm thực nhưng phố phường nơi đây luôn sạch đẹp và là điểm sáng về công tác bảo đảm an ninh trật tự, đoàn kết, văn minh thay thế những hình ảnh mất an ninh trật tự; vệ sinh môi trường không bảo đảm như trước kia. 5 năm trở lại đây, khu dân cư số 6 phường Hàng Bông không xảy ra vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường được cải thiện rõ rệt, các cuộc vận động quyên góp, ủng hộ được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. 5 năm liền khu dân cư số 6 được UBND phường Hàng Bông công nhận là Khu dân cư văn hóa, nhân dân rất phấn khởi và quyết tâm giữ vững danh hiệu này.
Bên cạnh những "Khu phố văn hóa" đang hình thành nếp sống văn minh đô thị còn tồn tại một thực tế là nhiều khu phố ở Thủ đô mặc dù đã được công nhận danh hiệu này nhưng hằng ngày vẫn diễn ra không ít cảnh phi văn hóa. Không khó để nhìn thấy ngay dưới chân tấm biển công nhận "Khu dân cư văn hóa số 1" nằm tại nơi giao nhau giữa phố Hàng Bún và Nguyễn Khắc Nhu (quận Ba Đình) là cảnh buôn bán nhộn nhạo, hay như việc chợ họp tràn lan ở vỉa hè, lòng đường trên phố Nguyễn Khắc Hiếu thuộc "Khu dân cư văn hóa số 3" (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) và cũng ở đây có thể thấy nhiều gia đình trên phố Nam Tràng đã góp phần biến vỉa hè thành sân phơi quần áo…
Tại làng văn hóa Đĩnh Tú, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) mặc dù được công nhận là "Làng văn hóa" gần 10 năm nay nhưng vệ sinh môi trường nơi đây thực sự báo động. Hằng ngày, người dân vẫn vô tư xả nước thải ra hai bên đường. Cùng với đó là bãi rác nằm chềnh ềnh ngay trên con đê đầu làng và thói quen thả rông gia súc khiến môi trường của "Làng văn hóa" ngày càng ô nhiễm nặng. Cũng trên địa bàn huyện Quốc Oai, tại khu phố chính của trung tâm huyện mặc dù đã được công nhận là "Khu dân cư văn hóa" hơn 10 năm nay nhưng vào mỗi buổi chiều hàng quán mọc san sát hai bên đường, kẻ bán, người mua tấp nập khiến con đường đã hẹp lại trở nên chật chội hơn. Đặc biệt, vào dịp đầu xuân hoặc mùa lễ hội lại diễn ra tệ nạn cờ bạc, xóc đĩa dọc các ngõ của con phố này. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy sống tại phố huyện Quốc Oai chia sẻ: "Khu phố tôi được công nhận là khu phố văn hóa từ rất lâu nhưng so với trước khi trở thành khu phố văn hóa tôi chẳng cảm nhận được sự thay đổi nào cả. Ngay cả tấm biển trước cửa nhà tôi ghi "Cán bộ và nhân dân phố huyện thị trấn Quốc Oai quyết tâm giữ vững danh hiệu văn hóa" người ta treo ngược cả năm nay mà cũng chẳng thấy ai đến treo lại". Ông Phạm Đức Hòa, tổ dân phố số 4 phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông chia sẻ: Khu phố tôi ở được công nhận danh hiệu văn hóa nhiều năm nhưng cảnh buôn bán dưới lòng đường, xe cộ để lộn xộn, mất trật tự giao thông và việc vứt rác ra đường của bà con vẫn còn nhiều lắm…
Phong trào "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" đã góp phần rất lớn trong việc hình thành nếp sống văn hóa, đoàn kết cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là cơ hội để hạn chế và đẩy lùi tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư ngày càng văn minh, giàu đẹp. Tuy nhiên, cán bộ và những người dân ở những khu dân cư đã được công nhận danh hiệu văn hóa phải ý thức được trách nhiệm của mình, như vậy những "Làng văn hóa", "Khu phố văn hóa", "Gia đình văn hóa"… mới thật sự có ý nghĩa trong đời sống.