Chung tay phòng ngừa hiểm họa

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:49, 09/04/2013

(HNM) - Liên tiếp hơn một tuần nay, thông tin về việc đã xuất hiện 21 trường hợp người mắc vi rút cúm gia cầm được phát hiện ở ba tỉnh phía đông Trung Quốc, trong đó có 6 trường hợp đã tử vong khiến dư luận xôn xao.



Xôn xao vì H7N9 là một chủng vi rút cúm gia cầm mới, chưa rõ đặc tính hoạt động trong khi thế giới chưa điều chế được loại thuốc đặc hiệu tiêu diệt loại vi rút này. Vì dịch lây lan khá nhanh, trong cùng một khoảng thời gian làm chết số người cao hơn các chủng vi rút cúm gia cầm khác. Vì người ta đã tìm thấy vi rút cúm H7N9 trong phân chim cút và chim bồ câu, khiến việc lây lan vi rút H7N9 sẽ còn nhanh hơn nữa, từ các đàn chim hoang dại. Nhưng còn một lý do khiến dư luận không chỉ xôn xao mà còn lo lắng, đó là Việt Nam là quốc gia có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc, lại rất gần 3 tỉnh đã phát hiện bệnh của nước bạn, vì vậy nước ta sẽ ở trong khu vực có khả năng lây lan bệnh nhiều nhất so với tất cả các nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, sau mấy năm cúm gia cầm không thành dịch, không làm chết nhiều người như dự báo, tâm lý chủ quan với dịch bệnh đã trở lại khá phổ biến. Trong khi hàng trăm triệu người ở bên kia biên giới tỏ ra lo lắng, sợ hãi với H7N9 thì ở Việt Nam, người ta vẫn giết mổ, tiêu thụ gà, chim, vịt… kể cả các loại gia cầm chưa rõ nguồn gốc bình thường. Giá gà còn sống và các loại thịt gia cầm vẫn đứng và có chiều hướng tăng lên. Chính vì điều này khiến giá gà ở Trung Quốc và Việt Nam chênh lệch lớn. Sự chênh lệch giá đó làm cho hoạt động buôn bán gia cầm (nhất là buôn lậu) trở nên nhộn nhịp vì vào lúc này thu lãi khá cao. Vì lãi cao, bất chấp mối nguy dịch bệnh, hoạt động buôn lậu gà thải loại, gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch gần đây tăng rất mạnh. Sau một thời gian lắng xuống, tại Hà Vĩ, chợ gia cầm đầu mối của Hà Nội mỗi ngày lại có 4 đến 5 tấn gà nhập lậu được tiêu thụ. Ở các chợ khác của Hà Nội, kể cả các siêu thị, mức tiêu thụ gia cầm tuy có giảm chút ít xong về cơ bản vẫn tăng. Ở các nơi khác trong nước, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc, hoạt động buôn lậu gia cầm tăng cả về số vụ và số lượng. Trung bình mỗi ngày, mỗi huyện sát biên giới của Lạng Sơn có vài chục tấn gà lậu bị phát hiện, xử lý. Bị tịch thu xe tải chở gà lậu, bọn buôn lậu quay sang dùng các phương tiện khác, kể cả những xe dưới 10 chỗ ngồi, thậm chí xe du lịch 4 chỗ ngồi hạng đắt tiền được dùng để chở gà lậu về Hà Nội.

Chở gia cầm từ vùng có dịch vào vùng không có dịch không được cơ quan chức năng cho phép là điều đã bị pháp luật nghiêm cấm, nếu cố tình thực hiện là phạm tội hình sự, vì trong số gia cầm ấy có thể có những con mang vi rút cúm gây chết người. Thủ tướng Chính phủ, nhiều ngành và địa phương đã có những biện pháp tích cực nhằm đề phòng, kiểm soát và ngăn chặn nạn buôn lậu gia cầm và hạn chế khả năng lây lan bệnh cúm. Tuy nhiên, quyết định vẫn là ý thức của người dân. Chỉ khi người dân có ý thức trách nhiệm với sức khỏe của chính mình và cộng đồng, kiên quyết tẩy chay việc tiêu thụ gia cầm nhập lậu, triển khai mọi biện pháp phòng chống dịch bệnh, thì khi đó những mối họa an sinh mới có hy vọng giảm theo.

Vũ Duy Thông