Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Chính trị - Ngày đăng : 12:50, 08/04/2013
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ: Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.
Thông qua đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý này, không chỉ huy động được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của công dân để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng dự thảo Hiến pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng cảm ơn đồng bào, cử tri cả nước, cộng đồng người Việt nam ở nước ngoài, với tinh thần trách nhiệm cao đã nhiệt tình tham gia đóng góp nhiều ý kiến phong phú và thiết thực. Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự nỗ lực của Ban biên tập Dự thảo Hiến pháp, với tinh thần tích cực, khẩn trương, bước đầu đã tổng hợp đầy đủ, kịp thời những ý kiến tâm huyết, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của nhân dân đóng góp cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Theo số liệu được tổng hợp từ báo cáo của các cơ quan, tính đến ngày 31/3, đã có hơn 26 triệu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.
Tại phiên họp này, các thành viên Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến về các nội dung trong bản dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến.
Trong tuần qua, Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẩn trương phân loại, tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân. Bản dự thảo mới nhất sau khi trình lên Ủy ban dự thảo sẽ tiếp tục được phân tích, góp ý trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Uỷ ban Dự thảo tập trung thảo luận, tiếp thu một cách kỹ càng, chắt lọc các loại ý kiến để có được bản Hiến pháp có chất lượng nhất trình ra Quốc hội thảo luận.