Nỗi lo trước tâm lý “sống chung với cái xấu”
Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 08/04/2013
Tính đến sáng hôm qua, 7-4, thống kê sơ bộ đã có 18 người Trung Quốc dính vi rút H7N9 - một chủng vi rút có độc lực mạnh, trong đó có 6 người đã tử vong. Vi rút H7N9 được cho là có ở chim bồ câu, gà, nghĩa là những loại gần gũi với đời sống con người, có khả năng phát tán rộng nếu công tác khoanh vùng xử lý không được thực hiện hiệu quả. Việt Nam, có đường biên giới với Trung Quốc trải dài hàng nghìn cây số, nạn buôn lậu gia cầm sống trong thời gian qua ở mức báo động, có thể là nguyên nhân dẫn nguồn vi rút xâm nhập nội địa, hẳn nhiên là không thể chủ quan rồi.
Trong nước, tuần qua cộng dồn thông tin hạn hán ở Trung bộ, Nam Trung bộ, mưa đá liên tiếp ở Lào Cai. Chưa vào hạ nhưng một số tỉnh phía Nam ghi nhận mức nóng kéo dài, cao hơn trước. Phía sau sự bất thường của thời tiết trong những ngày qua là dự báo toàn cảnh một năm 2013 có nhiều bão hơn, cảnh báo nước sông suối cả khu vực Bắc - Trung - Nam bộ có thể cao hơn do lượng mưa lớn hơn; trong khi đó, Tây Nguyên có thể đối mặt với hạn hán diện rộng.
Với cả hai vấn nạn nói trên, đặc biệt là những vấn đề mới phát sinh như sự xuất hiện của chủng vi rút mới H7N9, hạn hán, có thể thấy Chính phủ và các bộ, ngành đã có phản ứng khá nhanh, bảo đảm tính chủ động trong việc phân tích tình huống, dự báo khả năng, đề ra giải pháp ứng phó. Hôm qua, báo chí thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định hỗ trợ hơn 450 tỷ đồng từ ngân sách dự phòng năm 2013 cho hơn 30 tỉnh, thành phố nhằm khắc phục hậu quả do hạn hán, xâm nhập mặn. Với vấn đề vi rút cúm H7N9, tuần qua ghi nhận phản ứng tức thời của Việt Nam nhằm phòng tránh nguy cơ xâm nhập của loại vi rút chết người này. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, một loạt bộ, ngành đã vào cuộc, xác định giải pháp cho vấn đề đang gây quan ngại. Hàng rào kiểm dịch y tế đã được tăng cường ở khu vực cửa khẩu đường bộ, ga hàng không quốc tế với máy đo thân nhiệt tự động và phòng cách ly. Dù thực tế là vi rút H7N9 chưa xuất hiện ở Việt Nam nhưng dự kiến vào ngày mai, Bộ Y tế có thể xem xét thông qua phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc loại bệnh này.
Tuy vậy, mối lo còn đó. Lo là bởi hiệu quả phòng, chống dịch bệnh, giảm nhẹ tác hại từ thiên tai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ chất lượng công tác chuyên ngành đến các mặt công tác khác có ý nghĩa bổ trợ. Với việc ngăn chặn sự xâm nhập của chủng vi rút cúm mới, vấn đề không chỉ là kiểm soát lượng người nhập cảnh, mà còn là cách thức chống lại nạn buôn lậu gia cầm sống, thực phẩm bẩn vốn đang là vấn nạn gây nhức nhối. Giới buôn lậu vẫn đang hoành hành, không dễ kiểm soát triệt để. Từ đầu năm đến nay, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán, nạn buôn lậu tiếp diễn ở các cửa khẩu phía Bắc, miền Trung, Nam bộ. Nội tạng động vật, hoa quả, mỹ phẩm, gia cầm sống không rõ nguồn gốc, thuốc lá ngoại… vẫn được tuồn vào Việt Nam, không chỉ gây họa cho sản xuất trong nước mà còn gây ảnh hưởng xấu tới đời sống nhân dân. Nỗi lo còn ở chỗ thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi trong khi giải pháp chống buôn lậu chưa đủ tạo hiệu quả rộng khắp, bịt chỗ này lại thấy lỗ rò ở nơi khác.
Môi trường tự nhiên đang ngày một rõ sự khắc nghiệt, dịch bệnh khó lường, một phần quan trọng xuất phát từ hành vi của con người, trên phạm vi toàn thế giới cũng vậy mà ở Việt Nam cũng vậy. Tuy thế, mức độ tác hại từ những vấn nạn có sự khác ở các quốc gia khác nhau, nơi nào duy trì được chuẩn mực hành vi bằng hệ quy định chặt chẽ, mức độ thiệt hại hẳn thấp hơn những nơi buông lỏng sự kiểm soát, hoặc giả là có ý thức bảo vệ và duy trì chuẩn mực nhưng giải pháp triển khai thực hiện không đạt mục tiêu, yêu cầu.
Thoát ra khỏi cái nhìn cụ thể về hai vấn đề cụ thể gây quan ngại trong tuần qua, là sự xuất hiện của loại bệnh nguy hiểm liên quan đến vi rút H7N9, dự báo thiên tai khắc nghiệt mà không xa rời nguyên nhân vấn đề, dễ dàng nhận ra một yêu cầu có tính nguyên tắc, cần được thực hiện với thái độ kiên quyết ngay từ đầu. Đó là yêu cầu triệt tiêu hành vi đi ngược lại lợi ích của quốc gia, cộng đồng, bất kể là trong lĩnh vực nào, với ai. Các giải pháp bảo đảm cho việc duy trì nguyên tắc ấy cần sự đồng bộ, rõ tính liên ngành, rõ quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên quan, dựa trên hệ thống quy định vừa phù hợp đời sống, vừa bảo đảm khả năng dự báo vấn đề phát sinh để có thể chủ động giải pháp đối phó khi có vấn đề.
Điều đáng ngại là nguyên tắc ấy chưa được bảo đảm ngay từ đầu ở ta, do nhiều yếu tố, có thể thấy rõ trong công tác phòng, chống buôn lậu. Trong một khoảng thời gian dài, thực tế cho thấy hàng lậu vào ta tương đối dễ dàng, bất chấp nỗ lực từ các lực lượng chuyên trách nhiệm vụ phòng chống. Điều kiện hỗ trợ cho công tác phòng chống buôn lậu chưa đủ mức cần, lực lượng mỏng, hệ thống phương tiện kiểm soát thị trường lỏng lẻo, ý thức của một bộ phận trong lực lượng phòng chống buôn lậu, quản lý thị trường không tốt… Đó chỉ là một phần nguyên nhân, chưa chắc đáng lo bằng tâm lý "sống chung với hàng lậu" đã hình thành khá rõ, thể hiện ở sự thoải mái tiếp nhận hàng hóa không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Người buôn bán, vận chuyển, sản xuất hàng giả, hàng cấm, hàng chất lượng kém vì mục tiêu lợi nhuận mà làm càn, cơn cớ gì mà người tiêu dùng chấp nhận tự nguyện đưa thứ độc hại về nhà mình thay vì tẩy chay chúng và thông báo với cơ quan chức năng về sự xuất hiện của các loại hàng hóa đáng ngờ? Ở một góc độ khác, có thể đặt câu hỏi, rằng tại sao một kẻ nào đó chủ động tước đi mạng sống của đồng loại có thể dễ dàng nhận án tử trong khi nhiều kẻ buôn lậu tiếp tay hủy hoại sức khỏe của bao nhiêu người, có lúc là nguồn gieo rắc dịch bệnh chết người mà có khi chỉ chịu mức phạt hành chính, thu giữ hàng hóa? Nói khác đi, ở ta, đã xuất hiện một môi trường "dễ sống" đối với hàng lậu và giờ đây, khi có mối nguy đi liền với việc buôn bán, vận chuyển gia cầm lậu, vấn đề mà ta phải đối diện, phải tìm cách loại trừ trở nên phức tạp hơn.
Với thiên tai, như tình hình hạn hán và lũ lụt đang ngày càng phức tạp, cũng có thể đặt vấn đề về hệ lụy từ việc kiểm soát hành vi con người trong thời gian qua. Sự trầm trọng của vấn đề không tách rời - ở mức độ nào đó - hành vi buôn lậu gỗ, phá rừng và hiệu quả kiểm soát không tương xứng yêu cầu.
Đó đều là ví dụ về sự cộng dồn khả năng rủi ro không đáng có mà nguyên nhân quan trọng hàng đầu là các quy định không được thực hiện nghiêm túc ngay từ đầu, tạo điều kiện cho bệnh xấu di căn, thêm một ngày là thêm phần khó chữa.
Những ngày qua, với "vụ" H7N9, có thể thấy một sự ra quân đồng bộ, chủ động của nhiều ngành, nhiều cấp. Cách thức ấy, ý thức ấy, nhìn chung là cần tìm ra cách duy trì lâu dài, ngay cả khi "vụ" này khép lại. Thực tế cuộc sống đang đặt ra yêu cầu chỉnh đốn nhiều mặt công tác. Có những điều chỉ cần giải pháp trực tiếp là đủ, nhưng cũng có những mối lo cần có giải pháp tổng thể cùng lúc với nhiều lĩnh vực. Những giải pháp đó, nếu có, từ nay cần phải được duy trì nghiêm túc ngay từ đầu, để duy trì kỷ cương và cũng là phá bỏ hệ nguyên nhân dẫn đến sự cộng dồn rủi ro đối với cộng đồng.