Đình Linh Đàm

Xã hội - Ngày đăng : 10:08, 25/05/2004

Đình Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) nằm trên khu đất đẹp, rộng hơn 3000m2. Đây vốn là gò đất cao. Cửa đình trông ra hồ Linh Đàm, rộng tới 57ha.

Đình thờ thủy thần, tên chữ Bảo Ninh, học trò của Chu Văn An, có công làm mưa chống hạn giúp dân 7 làng trong vùng. Khi mất, dân các làng nhớ ơn đều lập đền thờ. Tục truyền, đầm Mực thuộc làng Quỳnh Đô (xã Vĩnh Quỳnh) chính là nơi nước mưa đen như mực rơi xuống mà tạo thành. Còn mộ của thần Bảo Ninh hiện vẫn còn bên cầu Bươu (xã Thanh Liệt, Thanh Trì).

Theo văn bia Phụng sự hậu thần bỉ ký, trước đây Linh Đàm có ngôi đền thờ thần, tên gọi Hiển Khánh, đến năm Chính Hòa thứ chín đời Lê (1688) có bà Vương phủ thị nội cung tần Trần Thị Ngọc Tể công đức 4 mẫu ruộng, 600 quan tiền cổ để làng sửa ngôi đền thành ngôi đình.

Đình Linh Đàm quy mô đồ sộ, kiến trúc kiểu chữ công. Tòa đình đại 5 gian, trên nóc đắp rồng chầu mặt trời. Tường hồi xây gạch Bát Tràng để trần, dày 0,5m, phía trên đắp nổi hổ phù. Phía trước đại đình xây 2 cột trụ, đỉnh trụ đắp hình bốn con chim phượng kết thành hình quả giành. Trước thềm cửa chính đặt hai con rồng đá, nét chạm mềm mại uyển chuyển. Phía sau đại đình là tòa hậu cung 3 gian.

Hậu cung xây bệ cao, bên trên đặt khám thờ sơn son thiếp vàng, đường nét chạm trổ mang phong cách nghệ thuật đời Lê. Trong khám có long ngai, bài vị, hia, mũ, áo của thần.

Đình Linh Đàm được trùng tu vào các năm 1698, 1781, 1926. Mấy chục năm qua, trải mưa nắng và đạn bom, đình đã xuống cấp. Năm 2001, dân làng đóng góp 1 tỷ 300 triệu đồng sửa chữa. 17 cột mục mọt thay bằng gỗ tốt. Một số bức trang trí bằng gỗ như đầu dư chạm rồng ngậm ngọc; cốn chạm mây, hoa, lá đều được tu chỉnh và giữ nguyên vẹn.

Tại đây lưu nhiều hiện vật giá trị: thần tích do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm 1572; 15 sắc phong thần của triều Lê, triều Nguyễn; 2 tấm bia đá; 1 bộ kiệu và một số đồ tế khí. Đình được trang trí bằng cửa võng, cuốn thư, hoành phi, câu đối. Trong số này có 1 bức hoành và 1 đôi câu đối của vua Khải Định tặng. Chữ ở các câu đối đều được khắc rất đẹp, nội dung hàm súc, ca ngợi công đức của người học trò đầy nghĩa khí:

Mặc vũ đại thiên công vạn cổ ân ba hà hải nhuận;

Thanh Đàm chung địa tú thiên thu để trụ ngật phong cao.

(Mưa mực thay trời, muôn thủa công ơn ngang biển cả;

Thanh Đàm hun đúc, ngàn năm miếu mạo ngất trời cao)

Trước đây, lễ hội đình Linh Đàm diễn ra vào tháng 8. Từ sau năm 1954, việc tế hàng tổng không còn duy trì, người Linh Đàm tổ chức hội tưởng niệm Bảo Ninh Vương vào ngày 10 tháng 2 âm lịch.

Chuẩn bị cho ngày chính hội, sáng mồng 9 tháng 2 các bô lão mở cửa đình bao sái đồ thờ, chồng kiệu thánh, trai đinh tát ao bắt cá, chọn con to để hôm sau làm cỗ thờ. Sáng mồng 10, hội rước diễn ra từ 7 giờ sáng. Đi đầu là đội cờ, tiếp đến là đội nhạc gồm trống, bát âm, một chiếc cồng lớn do một cụ già đánh làm hiệu lệnh dẫn đường cho kiệu thánh. Đoàn rước đi quanh làng Linh Đàm, qua làng Đại Từ xuống tới vực làng Tựu Liệt (xã Tam Hiệp) nơi đức thánh Bảo Ninh bị trời phạt, để lấy nước về cúng thần.

Điều đặc biệt là trong hội, làng phải làm mâm cỗ cá cúng thủy thần. Những con cá to đánh bắt từ ao làng đều phải chặt bỏ đầu. Thân cá pha chế thành các món rồi đem nướng hoặc rán chín; có cả món cá nấu dấm với rượu và nghệ.

Thôn làng ngoại thành nay trở thành phường của quận mới Hoàng Mai, lễ hội Linh Đàm năm 2004 vẫn giữ được nét đặc sắc của một làng nông nghiệp cổ truyền.

HNM

ANHTHU