Chọn HLV đội tuyển quốc gia và U23: Đã dùng thì phải tin

Thể thao - Ngày đăng : 06:44, 07/04/2013

(HNM) - Chuyện LĐBĐ Việt Nam (VFF) lên kế hoạch ký hợp đồng với HLV Hoàng Văn Phúc xem ra chỉ còn tính từng ngày.

HLV Hoàng Văn Phúc (phải) đang được “chọn mặt gửi vàng”.


Khái niệm "lòng tin" với HLV nội của VFF từ lâu đã là chuyện xa xỉ. Trong hơn 16 năm, từ 1995 đến 2012, mỗi lần tìm HLV trưởng cho đội tuyển quốc gia hay U23 quốc gia, các HLV ngoại bao giờ cũng được đặt lên hàng đầu. Tất nhiên, VFF có lý do để đưa ra quyết định. Trước đó, từ 1989 đến 1994, các HLV nội đều không hoàn thành nhiệm vụ mỗi khi được giao trọng trách dẫn dắt đội tuyển quốc gia. Chủ nghĩa kinh nghiệm của các HLV nội thời đó không thể xóa nhòa khoảng cách giữa bóng đá Việt Nam với các nền bóng đá mạnh trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Thái Lan… Dưới sự dẫn dắt của thầy nội, các đội tuyển Việt Nam đã không thể bật lên. SEA Games là sân chơi vừa sức nhất lúc đó nhưng trong cả ba kỳ tham dự (từ 1989 đến 1993), bóng đá Việt Nam không một lần vào bán kết. Còn ở các vòng loại World Cup, ASIAN Cup thì đội tuyển quốc gia thường thảm bại. Có thể coi đó là hệ quả của sự lạc hậu trong phương pháp huấn luyện, chỉ đạo của các HLV bên cạnh vô vàn lý do khác liên quan đến cầu thủ.

Chính vì vậy, bóng đá Việt Nam mới nghĩ đến phương án hợp tác với các HLV ngoại. Thành công trong lần đầu tiên hợp tác với các HLV ngoại (HLV người Brazil Tavares) đã khiến LĐBĐ Việt Nam tin rằng đó là con đường duy nhất để hướng tới những thành công. Đến thời K.H.Weigang, A.Riedl, H.Calisto, bóng đá Việt Nam đã trở thành thế lực ở Đông Nam Á mà đỉnh cao là chức vô địch AFF Cup 2008. Trong hơn 16 năm hợp tác với HLV ngoại, cũng có lúc đội tuyển Việt Nam sa sút, thảm bại nhưng niềm tin vào HLV ngoại vẫn không đổi. Đơn giản, HLV nội vẫn chưa đủ tầm dẫn dắt đội tuyển cả về chuyên môn lẫn cái "uy" với cầu thủ, ít nhất là trong đánh giá của VFF.

Nhưng tin dùng HLV ngoại mãi rồi cũng đến lúc VFF thay đổi quan điểm. Đơn giản, HLV ngoại cũng có những mặt dở khiến VFF khó đỡ. Không kể, bóng đá Malaysia liên tiếp thành công ở các giải đấu vô địch Đông Nam Á nhờ đội ngũ HLV nội cũng khiến VFF thấy rằng, đó là giải pháp tốt cho bóng đá Việt Nam. Năm 2012 khác nhiều năm trước khi các HLV Việt Nam đã học hỏi được những kinh nghiệm huấn luyện hiện đại và dày dạn hơn trong cách xử lý mối quan hệ với cầu thủ. Thế mới có chuyện HLV Phan Thanh Hùng được chọn làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup 2012. Tuy vậy, chỉ sau một thất bại ở AFF Cup 2012, ông Phan Thanh Hùng đã chia tay đội tuyển. Tất nhiên, ông là người chủ động đưa ra quyết định nhưng nếu VFF vẫn tin dùng thì chưa chắc ông Hùng đã rời ghế. Đến lúc ấy, người ta vẫn không tin rằng, HLV nội đã được tin tưởng tuyệt đối. Rõ nhất là sau đó, một số quan chức VFF đã đề cập đến việc lại tiếp tục chọn HLV ngoại cho đội tuyển.

Tuy nhiên, gần đây, xu hướng dùng HLV nội cho đội tuyển quốc gia và U23 quốc gia đã thắng thế. HLV Hoàng Văn Phúc được "chọn mặt gửi vàng" dù chưa thành công trong hai trận đấu vòng loại ASIAN Cup 2015 mà ông được giao trọng trách HLV tạm quyền. Mới đây nhất, đích thân Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng tuyên bố, nếu HLV Hoàng Văn Phúc đồng ý, VFF sẽ ký hợp đồng dài hạn, khoảng hai năm để HLV này yên tâm làm việc. Và theo quan điểm của ông Nguyễn Trọng Hỷ, đã dùng là phải tin. Có như vậy, HLV mới cống hiến hết mình.

Nhưng để thể hiện lòng tin lại là chuyện khác. Giả sử đội U23 không đạt chỉ tiêu tại SEA Games 27 sắp tới, liệu VFF có tiếp tục tin dùng ông Hoàng Văn Phúc? Hay lại đồng ý ngay với nguyện vọng xin rút lui như đã từng làm với HLV Phan Thanh Hùng? Bởi đơn giản, hợp đồng là vậy nhưng bao giờ cũng có điều khoản sa thải. Vì vậy, chỉ biết thế rồi cùng chờ đợi. 

Minh Quang