Chợ người Việt ở Nga những ngày băng giá
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:44, 07/04/2013
Để tìm hiểu công việc làm ăn của bà con, chúng tôi đã có nhiều buổi dạo loanh quanh mấy trung tâm thương mại (TTTM) lớn mà người Việt Nam ta đa phần làm ăn ở đó như Chợ Chim (TTTM Sadovo) - khu chợ chiếm một diện tích mặt bằng khá lớn, rộng hàng mấy chục hécta, nằm sát đường vành đai (MKAD); hay như TTTM Mátxcơva cũng chiếm một diện tích hàng mấy chục hécta thì nằm không xa ga xe điện ngầm Liubliuno mà bà con người Việt Nam gọi tắt là chợ Liu.
Chủ hàng nhiều hơn khách hàng ở chợ Chim. Ảnh: Võ Hoài Nam |
Đã lâu không trở lại hai nơi này, cảm nhận đầu tiên ập đến là sự lạnh lẽo không phải bởi mùa đông tuyết phủ đầy trời, ngập sân, trắng mái nhà, lẫn vào hàng hóa và bám đầy người - mà là cái lạnh lẽo bởi khách mua hàng thưa thớt vào chợ. Mặc dù dòng xe vẫn bám đuôi nhau, nhưng không còn ken dày như trước đây. Cửa ra vào tòa nhà TTTM bị gió lùa mang theo cái lạnh mỗi khi có người ra vào, mặc dù hai bên cửa đã có lò sưởi ấm thổi vù vù, nhiệt độ ngoài trời là âm 9 độ C. Không gian bên trong chợ tĩnh lặng lắm, đó là cái sự không bình thường với một nơi được gọi là TTTM. Tuy nhiên, dạo một lúc, lại thấy chẳng lạ, bởi vì người bán nhiều hơn người mua thì làm sao mà nhộn nhạo như chợ được. Thoáng nhìn một lượt, chúng tôi nhẩn nha đi dọc hành lang. Hai bên là các dãy hàng bán đủ loại từ áo quần, giày dép, mũ mão, son phấn, vali, túi xách, thắt lưng, kính bút, đồng hồ, thảm… nghĩa là thượng vàng hạ cám có tất tần tật - chợ mà.
Phần đông người bán hàng là "dân tóc đen" - đen như mun - từ các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, phải nói họ bán hàng rất "nghề", chứ không như người Việt Nam ta. Về độ ma lanh, láu tôm láu cá thì "dân tóc đen" đứng đầu bảng, thứ nhì về độ khôn ranh mới đến dân Trung Quốc.
Ngoài số đông bán hàng là "dân tóc đen" ra, thì có người Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập… Lượng người Nga bán hàng không nhiều, có chăng thì đó là những người nhận việc bán thuê cho dân nhập cư. Tiền thuê bán hàng được trả theo ngày, có khi là 200 hoặc 300 rúp/ngày (gần 32 rúp ăn 1 USD), ngoài ra còn tính % cộng theo sản phẩm bán được, công việc không đến nỗi nặng nhọc nên nhiều người phụ nữ Nga ở đủ các lứa tuổi nhưng phần đông là cỡ 35 đến 40 tuổi, do hoàn cảnh khó khăn, cũng bán thuê để kiếm thêm thu nhập hằng tháng. Sở dĩ có tình trạng này là vì chính quyền bắt buộc chủ quầy phải là người Nga, thế cho nên các ông bà chủ thực sự là dân nhập cư thì đứng phía sau. Mỗi khi có tin nhà chức trách đến kiểm tra thì đột nhiên người bán ở các quầy hàng toán loạn, cứ ào ào như chợ vỡ, rồi bỗng dưng những người đang đứng sau quầy (không phải là người Nga) biến mất, như thể là có phép độn thổ. Đây là một tình trạng phổ biến với các chợ ở Nga bao nhiêu năm qua mà nhà chức trách không tài nào xử lý dứt điểm được. Phải chăng do quản lý kém hay vì "lý do" tế nhị khác?!
Cũng bởi khách hàng ít, nên xem ra người bán hàng ở các TTTM có vẻ như nhàn nhã hơn. Kẻ đọc báo lá cải, lướt cả mạng trên máy tính xách tay, điện thoại… Người tán gẫu, cười đùa, người chơi điện tử nhắn tin trên cái điện thoại đủ kiểu dáng hiện đại có, rẻ tiền có. Kẻ đánh cờ, người cắn hạt dưa tí tách, miệng phun vỏ phì phì; kẻ ngồi tư lự đăm chiêu nét mặt như đưa đám, người chắp tay lững thững hóng hớt ngó quầy hàng xóm xem đang trúng quả hên hay xui xẻo…
Khi chúng tôi hỏi thăm mấy chủ hàng có vẻ đang chú tâm hơn cả đến việc bán hàng, thì câu trả lời nhận được đều giống nhau: Hàng bán không chạy, ngâm tôm ròng rã cả mùa đông. Hàng quần áo ấm mà vẫn ế chỏng gọng trong mùa đông mới là chuyện lạ?
Anh chị Bùi, Ngân ở chợ Chim (TTTM Sadovo) chuyên gia đánh áo rét có thâm niên từ thời Saliut 3, chợ Vòm hàng chục năm nay, mà còn thở dài thườn thượt: "Bác xem, dân tình bán buôn kiểu này a, không khéo chợ chưa tan mà người đã tự tan". Có vẻ họ nói không sai, bởi nhìn chung quanh chợ thấy vắng hoe. Thông thường chợ chỉ đông vào thứ bảy hoặc chủ nhật và cũng chỉ kéo dài đến độ 3 giờ chiều là chợ bắt đầu quạnh hiu.
Tôi đếm nhẩm lượt khách hàng vào ra chợ không dưới dăm ba chục ông bà Nga, rõ là quá ít so với lượng quầy. Và hình như họ cũng chỉ dạo xem hỏi giá, thử áo quần, chứ chưa hề có ý mua. Cũng có một vài ông bà chủ quầy đếm tiền và cảm ơn khách trong vẻ hài lòng giữa đôi bên. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cảnh mấy anh mấy chị nhà ta mời mọc khách hàng Nga mua hàng, mới chạnh lòng làm sao. Quả là kiếm được đồng tiền bát gạo nơi đất khách quê người thật không dễ dàng gì. Vậy mà nhiều người ở quê nhà cứ tưởng sang đây sẽ là miền đất hứa sẽ đổi đời, nào có ai biết bao người đã vỡ mộng - trong khi đó ở bên nhà, nhiều người đang xoay xở bằng mọi cách để du lịch sang Nga, rồi "lẩn" trốn đoàn ra ngoài, ở lại và trực tiếp "chiến đấu" - đúng là trăm nghe không bằng một thấy.
Ở một góc xa xa, mấy người Nga có vẻ như là dân buôn chuyến từ thành phố xa lên lấy hàng đang kéo hàng ốp-tôm (mua sỉ) ra xe ô tô, vậy là chủ quầy có "màu" rồi, cũng mừng cho họ. Nhưng khi tôi nhìn ra bãi đỗ cho các xe tuyến đường dài, thấy mênh mông lạnh lẽo của tuyết trắng giăng kín sân, chợt nhói lòng trước những cái nhìn mỏi từ các chủ hàng trông ngóng khách hàng đến nhường nào…
Tôi hỏi một chị trung niên có dáng mập mạp, vẻ mặt phúc hậu người Nga tên là Ôlia, hiện bán hàng thuê cho một người Việt Nam về tình trạng kinh doanh và thực tế thu nhập, chị nói vẻ buồn buồn, thật tình: "Mùa Đông này tự nhiên hàng kém hơn mọi năm, không hiểu vì sao? Còn thu nhập thì, tôi không nói đâu, bởi chán lắm. Cô chủ Lan, người các anh vừa nói chuyện lúc nãy không bán được hàng cứ rầu rĩ làm tôi cũng buồn theo cô ấy".
Ở chợ Liu (TTTM Mátxcơva) khi hỏi mấy người quen về giá cả thuê quầy, tôi mới giật mình khi biết là mỗi tháng, dù bán được hay không những người thuê quầy (tùy theo vị trí) đều phải nộp đủ không dưới vài trăm ngàn rúp (tương đương cả chục ngàn USD), còn nếu không có thì xin mời trả lại quầy. Chuyện mua đi bán lại quầy hàng ở đây cũng có, nhiều quầy có khi lên giá tới cả trăm ngàn USD. Cùng với nghề thuê bán hàng, ở các TTTM còn có nghề cho thuê quầy. Nhiều chủ người Việt đang có trong tay vài quầy hàng và nghiễm nhiên là các chủ quầy đó rủng rỉnh đút túi hàng chục ngàn USD/tháng. Chỉ khổ cho các chủ thuê quầy để bán, hằng ngày cứ phải đần mặt ra, tính nát óc làm sao thu đủ bù chi hay chi trước đã bù thu sau. Và không biết các khoản bù thu sẽ móc ở đâu ra khi hàng họ cứ ế ẩm như bây giờ? Nhiều lúc chúng tôi vẫn thắc mắc: Bán buôn ế ẩm như vậy nhưng sao bà con ta vẫn cứ phải bám trụ nước Nga bao năm qua? Hỏi ra mới biết, nhiều người trở về nhà thấy còn khó khăn hơn, xoay đủ kiểu mà không làm ăn được, lại "Nga quay" và mỗi lần đi về lại tốn không ít tiền, thế nên lại tiếp tục phải è cổ ra mà "chiến" để trả nợ.
Thực ra mà nói thì thời hoàng kim đã qua lâu lắm rồi. Bà con Việt Nam tại Nga bây giờ làm ăn cũng chỉ là kiểu "giật gấu vá vai" nên khó mà giàu có như những năm trước. Hàng hóa ế ẩm, giá cả thuê chỗ bán cao - là lý do đủ để khiến nhiều người vỡ mộng. Sống cầm chừng qua ngày là may rồi, chưa nói tới chuyện nhà chức trách thi thoảng "chiếu cố hỏi thăm".
Đã thế, tình trạng các siêu thị của người Nga mọc khá nhiều, hàng hóa mẫu mã phong phú (thậm chí chẳng khác mấy so với ngoài chợ), giá cả cũng không đắt quá, nên lượng người dân đi mua ở các chợ Mát giảm, dẫn đến ế ẩm cũng chẳng có gì là lạ. Còn một lý do nữa mà thiết tưởng không thể không nhắc tới: Đó là người Nga bây giờ cũng ít mặn nồng với các loại hàng do Việt Nam, Trung Quốc… sản xuất. Đặc biệt họ rất sợ hàng may mặc hay đồ chơi trẻ em của Trung Quốc sản xuất mặc dù giá rất rẻ bởi lý do là chất độc nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính quyền Nga cũng đã khuyến cáo nhiều. Về mặt hàng do các nhà may Việt Nam sản xuất tại Nga thì mẫu mã của ta thành thực mà nhận xét thì chưa đẹp bằng "anh Tàu" mặc dù giá cả phải chăng. Bởi vậy, nhiều chủ hàng bên này nhắn gửi về Việt Nam, rất mong các doanh nghiệp hàng may mặc của ta cần đầu tư chất xám để thiết kế mẫu mã cho phù hợp thị hiếu của người tiêu dùng Nga.
(Còn tiếp)