“Đói” vốn, dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”

Kinh tế - Ngày đăng : 08:31, 06/04/2013

(HNM) - Dự án đầu tư xây dựng cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (SG - HP) phục vụ di dời khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (NR - KH) có tổng mức đầu tư ban đầu hơn 2.700 tỷ đồng do Công ty cổ phần Cảng SG - HP làm chủ đầu tư đã phải ngưng trệ do thiếu vốn.


Thiếu vốn

Theo Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn (CSG - cổ đông, chiếm hơn 80% phần vốn của Công ty cổ phần Cảng SG - HP), dự án đầu tư xây dựng cảng SG - HP có tổng diện tích 100ha, trong đó bến cảng dài 1.800m, năng lực thông quan đạt 18 triệu tấn hàng hóa/năm và có năng lực tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn. Dự án được khởi công từ tháng 5-2009, dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành giai đoạn 1. Tuy nhiên, đến nay dự án đã tạm ngưng thi công toàn bộ các hạng mục công trình vì "đói" vốn. Cụ thể, giá trị hợp đồng đã ký trong giai đoạn 1 gần 1.400 tỷ đồng, nhưng chủ đầu tư mới chỉ thanh toán được hơn 790 tỷ đồng (trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ tạm ứng 449 tỷ đồng). Ngoài ra, chủ đầu tư đang nợ 10 nhà thầu gần 165 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tại dự án chuyển đổi công năng khu cảng NR-KH, để hoàn thành các hạng mục công trình chưa hoàn thiện và điều chuyển dần các thiết bị cũng cần tới 1.486 tỷ đồng nhưng hiện nguồn vốn mới chỉ thực hiện đạt 791 tỷ đồng.

Đến nay, Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước mới chỉ đưa vào khai thác tạm một số cầu tàu.



Theo Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cảng SG-HP Nguyễn Hoàng Dũng, nhiều nhà đầu tư trước đây rất quan tâm muốn đầu tư vào khu đất cụm cảng với mục đích xây dựng các trung tâm thương mại, khách sạn… nay đã rút lui gần hết, số còn lại tỏ ra thờ ơ, nên nguồn vốn đầu tư cho Cảng SG-HP bị bế tắc. Để khắc phục khó khăn, cảng SG-HP đã phải triển khai khai thác bằng đường thủy, bước đầu bằng mặt hàng gạo. Mặt khác, để tránh lãng phí, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, cảng SG-HP đã phải hoàn tất các thủ tục về an ninh cảng biển, môi trường, phòng cháy chữa cháy nhằm xin khai thác tạm thời 200m cầu tàu, hai bến phao.

Bởi vậy, theo ông Lê Công Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc CSG, đơn vị vừa phải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét cho CSG được tạm ngưng trả nợ khoản vay ODA với số tiền đang trả nợ hằng năm là hơn 1 triệu USD trong thời hạn 3 năm. Mục đích nhằm để CSG tạm thời sử dụng nguồn vốn của dự án "Cải tạo và nâng cấp cảng Sài Gòn" vào việc thực hiện dự án di dời cảng SG - HP trong thời gian tìm kiếm thêm các nguồn vốn khác. Ngoài ra, CSG còn kiến nghị Bộ Tài chính tiếp tục cho CSG ứng vốn ngân sách 286 tỷ đồng trong năm 2013 hoặc trình Chính phủ bảo lãnh vay vốn để hoàn thành các hạng mục dở dang, chống xuống cấp công trình, trả nợ các nhà thầu, mua nền tái định cư cho các hộ dân theo phương án được duyệt.

"Huyết mạch" cũng tắc

Không chỉ "đói" vốn, theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, hiện dự án xây dựng tuyến đường huyết mạch D3 (tổng mức đầu tư khoảng 259 tỷ đồng), cho cảng SG-HP cũng rơi vào bế tắc do thiếu vốn, dù cơ bản đã hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng. Trước đây dự án này được giao cho Công ty cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (HIPC) thực hiện. Tuy nhiên, do HIPC không có vốn nên UBND TP giao cho CSG báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính làm chủ đầu tư theo hình thức ứng vốn thi công không tính lãi. "CSG cũng đã có văn bản đề nghị được ứng vốn ngân sách để đầu tư xây dựng đường D3. Đồng thời, CSG cũng đã xúc tiến tìm các đối tác đầu tư theo dạng ứng vốn thi công và chuyển giao nhưng vẫn chưa được phản hồi tích cực vì hầu hết đều đòi phải tính lãi vay vào chi phí dự án", ông Dũng nói. Thế nên Công ty cổ phần Cảng SG-HP cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ GTVT hỗ trợ tìm kiếm nguồn vốn và nhà đầu tư thực hiện thi công hoặc cho phép tính lãi vay vào chi phí dự án để nhà thầu ứng vốn thi công.

Dự án cảng SG - HP hiện mới hoàn thành 38% khối lượng. Các hạng mục đã hoàn thành và các thiết bị được lắp đặt: Cầu tàu số 3 (200m), 2 bến phao 30.000 tấn, 3 cẩu vạn năng, 6 gàu ngoạm, 3 phễu. Các hạng mục còn thi công dang dở gồm: Cầu tàu số 2 (400m), đạt 60% khối lượng công việc, xử lý nền với khối lượng hoàn thành khoảng 70% và kho hàng rời đạt khoảng 34%.

Hà Phạm