Cấp bách chống hạn vụ xuân

Kinh tế - Ngày đăng : 06:55, 06/04/2013

(HNM) - Từ đầu năm đến nay, do diễn biến bất thường của thời tiết, mực nước sông, suối, hồ thủy lợi xuống thấp khiến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương.


Khốc liệt nhất trong nhiều năm

Thời điểm này, miền Trung và Tây Nguyên đang trải qua đợt hạn hán nặng nhất trong 10 năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), diện tích hạn hán, thiếu nước cây trồng và xâm nhập mặn trên cả nước lên tới 103.359ha (trong đó có trên 20.000ha lúa, cà phê 60.000ha, còn lại là các loại cây khác), diện tích bị mất trắng khoảng 5.000ha. Ở tỉnh Quảng Trị hiện đã có gần 9.000ha cây trồng bị hạn và xâm nhập mặn. Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề nhất đến thời điểm này là khu vực Tây Nguyên, có đến gần 75.000ha/80.000ha đang bị hạn hán, thiếu nước nghiêm trọng, trong đó diện tích mất trắng đã lên đến 4.222ha.

Công ty Thủy điện Đồng Nai duy trì chạy máy để cấp nước cho hạ du chống hạn. Ảnh: Ngọc Hà



Trong các loại cây trồng bị hạn nặng ở Tây Nguyên thì cây cà phê chiếm diện tích lớn nhất với gần 55.000ha, tập trung chủ yếu ở 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắc Nông. Ông Đặng Duy Hiển, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cảnh báo, nếu thời tiết nắng nóng vẫn tiếp tục xảy ra, nguồn nước tưới bị thiếu hụt, hạn hán tại các tỉnh thuộc khu vực trên, đặc biệt là Tây Nguyên còn tăng thêm khoảng 56.000ha. Ở một số tỉnh khu vực phía Bắc cũng đang đứng trước nguy cơ hạn nặng. Theo Cục Trồng trọt, tại tỉnh Bắc Kạn có 1.800ha lúa xuân có nguy cơ bị hạn nặng. Các tỉnh như Cao Bằng, Lạng Sơn cũng đang diễn ra hạn hán cục bộ. Tại các tỉnh trung du, Đồng bằng Bắc bộ, mặc dù đang trong giai đoạn tưới dưỡng cho lúa nhưng nguồn nước bị thiếu hụt, mực nước sông và các hệ thống thủy lợi xuống thấp. Hệ thống thủy lợi Bắc Đuống chỉ vận hành được 1 tổ máy bơm nhưng thời gian bơm không liên tục nên khoảng 1.500ha thuộc các địa phương nằm trong khu vực lấy nước từ sông Đuống có khả năng bị thiếu nước trầm trọng.

Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên xảy ra ngay từ đầu vụ xuân 2013 là do lượng mưa cùng kỳ thấp hơn trung bình nhiều năm, thậm chí những tháng cuối năm 2012 lượng mưa thiếu hụt 70 - 90% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, lượng mưa thấp, rất khó tạo lũ tiểu mãn để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Trong khi đó, mực nước hồ thủy lợi, thủy điện cũng thấp kỷ lục. Hiện cả nước chỉ có 5 hồ chứa vừa và lớn đầy nước là Kim Sơn, An Mã, Phú Xuân, Đồng Tròn và Hoóc Răm. Các hồ còn lại mực nước và dung tích thấp hơn so với thiết kế, trong đó các hồ tại Bắc bộ bình quân đạt 63%; Bắc Trung bộ 80%; Nam Trung bộ 52%; Tây Nguyên 42% và Đông Nam bộ 42%. Trước những khó khăn về nguồn nước đã dẫn đến diện tích gieo cấy vụ xuân 2013 của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên giảm hơn 4.000ha, đạt 524.344ha so với vụ xuân 2012.

Hồ thủy điện xả nước cứu cây trồng

Tại cuộc họp chống hạn cho hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra ngày 31-3, Tổng cục Thủy lợi đã yêu cầu hai nhà máy thủy điện Đắc Mi và A Vương phải xả nước 15 ngày (từ 15-5 đến 30-5) để có nước xuống giống cho 11.000ha vụ hè thu của tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, Tổng cục sẽ tham mưu với Bộ NN&PTNT có lịch xả nước cho các thủy điện tại miền Trung và Tây Nguyên trong tuần này. Để tránh lãng phí nước, các địa phương phải thông báo lịch xả nước đến từng người dân để thống nhất lịch lấy nước. Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương sẽ làm trung gian kiểm tra việc xả nước của các hồ thủy điện.

Ông Đặng Duy Hiển cho biết, hiện các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang tích nạo vét kênh mương và làm thủy lợi nội đồng, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, tăng nguồn nước bơm tát, tiếp tục khơi sâu giếng nước cũ, lắp đặt các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến. Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên, trước mắt tập trung giải quyết nước tưới để cứu diện tích cà phê bị hạn nặng bằng đào ao, giếng hoặc khoan các giếng dọc theo các khe suối là các khu vực có nước ngầm, tăng cường các máy bơm để bơm tưới. Đối với các tỉnh thuộc khu vực Nam bộ, các địa phương nên chuyển đổi cơ cấu vụ hè thu sang trồng cây trồng cạn để tiết kiệm nước và xây dựng kế hoạch phương án tưới tiêu cho diện tích lúa hè thu 2013.

Hà Nội bảo đảm đủ nguồn nước cho cây trồng vụ xuân
Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, hiện hơn 100.000ha cây trồng vụ xuân vẫn bảo đảm đủ nước tưới. Sở NN&PTNT đang chỉ đạo các địa phương sử dụng tiết kiệm nguồn nước; các đơn vị thủy lợi tiếp tục tận dụng, tranh thủ bơm trữ nước từ sông Hồng, sông Đà vào sông ngòi, kênh mương nội đồng, ao hồ để bảo đảm nguồn nước ổn định cho sản xuất, dân sinh.

Chí Kiên