Hà Nội triển khai các biện pháp phòng, chống dịch cúm A/H7N9
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:22, 06/04/2013
Theo Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, các nhà khoa học hiện vẫn chưa rõ về nguồn lây, phương thức lây truyền, cách thức điều trị, cũng như các biện pháp dự phòng, đặc biệt là chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với vi rút cúm A/H7N9. Thuốc Tamiflu vẫn được cho là có hiệu quả trong dự phòng và điều trị cúm. Hiện Hà Nội vẫn còn cơ số thuốc dự phòng tại Bệnh viện Đống Đa phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Mặt khác, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã chủ động giám sát tại 17 bệnh viện của trung ương, bộ, ngành trên địa bàn, đồng thời phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế trong ngành để điều tra, giám sát, phát hiện các trường hợp nghi mắc cúm A/H7N9 để có biện pháp thu dung, cách ly và điều trị kịp thời. Năm đội phòng chống dịch cơ động tại trung tâm đã được củng cố và mỗi trung tâm y tế quận, huyện, thị xã có 2 đội phòng dịch cơ động sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có dịch bệnh xảy ra.
Lãnh đạo Sở cho biết, ngành y tế Hà Nội đã có sự phối hợp với các bệnh viện trên địa bàn trong tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân, tăng cường công tác kiểm dịch giám sát phát hiện sớm các trường hợp hành khách có dấu hiệu sốt cao nhập cảnh qua cửa khẩu Nội Bài. Hệ thống giám sát, điều trị, các biện pháp dự phòng và phác đồ điều trị cúm A/H7N9 đã được tăng cường tập huấn. Công tác tuyên truyền chủ động để người dân có kiến thức phòng, chống dịch bệnh nhưng không gây hoang mang... Sở đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thanh kiểm tra ATVSTP đối với các thực phẩm có nguồn gốc từ gia cầm, cũng như các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, chế biến và kinh doanh gia cầm.
Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh và Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, khoảng ngày 9-4, Bộ Y tế sẽ đưa ra phác đồ điều trị cúm A/H7N9 và tổ chức tập huấn cho các đơn vị y tế.