Số hóa truyền hình: Đừng để người dân chịu thiệt

Xe++ - Ngày đăng : 06:46, 05/04/2013

(HNM) - Từ năm 2015 đến năm 2020, các đài truyền hình sẽ ngừng phát sóng theo công nghệ analog để chuyển sang công nghệ số...

Theo quy định, việc chuyển đổi sang truyền hình số trên toàn quốc chia làm 4 giai đoạn: Kết thúc năm 2015, dừng phát sóng analog tại 5 thành phố lớn là Hà Nội (khu vực trước khi sáp nhập), Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; hết năm 2016 thực hiện chuyển đổi xong tại 26 địa phương (trong đó có Hà Tây cũ); trước ngày 31-12-2018 chuyển đổi xong tại 18 tỉnh; cuối cùng, năm 2020 dừng hẳn công nghệ analog tại 15 tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa. Ban Chỉ đạo đề án số hóa truyền hình cũng đề ra lộ trình tích hợp thiết bị thu truyền hình số mặt đất vào máy thu hình sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại thị trường trong nước. Cụ thể, từ ngày 1-4-2014, máy thu hình có kích thước màn hình trên 32 inchs phải tích hợp công nghệ số; từ ngày 1-4-2015, áp dụng cho ti vi màn hình từ 32 inchs trở xuống.

Ảnh minh họa.


Việc chuyển đổi công nghệ truyền dẫn, phát sóng truyền hình giúp khách hàng được xem hình có chất lượng, bảo đảm độ nét cao. Các nhà đài nhờ công nghệ mới, có thể phát sóng thêm lượng kênh lớn. Với cơ quan quản lý nhà nước, việc các nhà đài chuyển sang dùng công nghệ số sẽ giải phóng được một phần tài nguyên tần số, từ đó để dành phát triển các dịch vụ thông tin di động và vô tuyến băng rộng. Nhưng vấn đề ở chỗ, khi nhà đài chuyển đổi công nghệ (tất nhiên là có lộ trình), số phận những chiếc ti vi mà người dân cả nước đang dùng sẽ ra sao? Liệu người dân có phải đổi ti vi để được xem sóng truyền hình?

Căn cứ theo các số liệu đã công bố của Bộ TT-TT, cả nước có hơn 20 triệu hộ gia đình, trong đó khoảng 90% có máy thu hình - tương đương con số hơn 18 triệu hộ có ít nhất 1 ti vi. Những gia đình ở thành phố, thị xã, gia đình khá giả… có thể có 2-3 chiếc. Như vậy, việc chuyển đổi công nghệ phát sóng sẽ tác động đến hơn 18 triệu hộ gia đình (hơn 18 triệu chiếc vô tuyến). Cũng theo các số liệu đã công bố của Bộ TT-TT, cả nước có khoảng 4,5 triệu hộ gia đình dùng dịch vụ truyền hình trả tiền. Đối tượng này không bị ảnh hưởng nếu truyền hình dừng phát analog. Như vậy, vẫn còn 13,5 triệu hộ gia đình có ti vi chưa rõ đã được tích hợp công nghệ số hay chưa? Nếu ti vi chưa tích hợp công nghệ số, các hộ gia đình sẽ phải bỏ tiền để đầu tư thêm bộ giải mã số thì mới xem được truyền hình. Với các hộ gia đình ở thành thị, khá giả, đây không phải là điều đáng lo ngại, nhưng với người dân ở nông thôn, khu vực vùng sâu, vùng xa, đây là một vấn đề. Đến đây, câu hỏi được đặt ra, vậy giá cả và chất lượng của bộ giải mã này như thế nào?
Tại hội nghị về triển khai đề án số hóa truyền hình do Bộ TT-TT vừa tổ chức tại Hà Nội, đại diện Ban chỉ đạo đề án cho biết, với những hộ nghèo, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ mà cụ thể là sẽ hỗ trợ người dân mua bộ giải mã số.

Việt Nga