Chủ động... bị động!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 05/04/2013

(HNM) - Với những tính năng nổi trội là theo dõi, lưu lại các thông tin quan trọng về quá trình vận hành, khai thác phương tiện trên đường, thiết bị giám sát hành trình chính là "công cụ hỗ trợ" đặc biệt hữu ích giúp lực lượng chức năng bảo đảm an toàn giao thông.

Bởi lẽ, thay vì phải "rải" người trên đường "bắt tận tay, day tận trán" mới có thể xử lý, lực lượng chức năng chỉ cần dừng xe để trích xuất số liệu từ thiết bị là đủ căn cứ phạt. Theo Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21-10-2009 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chậm nhất đến ngày 1-7-2012, các loại ô tô vận tải tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, xe du lịch, vận tải hàng hóa bằng container… đều phải gắn thiết bị giám sát. Dù gặp một số trục trặc trong quá trình thực hiện và phải lùi thời hạn thực hiện đến ngày 1-7-2013, nhưng theo Bộ GTVT, đến nay đã có 41.594 xe lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 96% xe chở khách chạy tuyến cố định, 94% số xe buýt và 93% số xe vận tải container…

Mừng thay! Trị được "hung thần xa lộ", hành khách sẽ an toàn hơn! Thế nhưng, nhìn vào kết quả kiểm tra mới đây của Thanh tra Bộ GTVT tại 49 đơn vị kinh doanh vận tải, 11 bến xe tại 5 tỉnh, thành phố lại lo. Ấy là, thiết bị giám sát hành trình không đáp ứng yêu cầu. Gần 100% đơn vị kinh doanh vận tải đã lắp thiết bị, nhưng đa phần lắp để… cho có, không bảo đảm chất lượng. Thiếu "công cụ hỗ trợ" hữu hiệu, lái xe vẫn phóng nhanh, vượt ẩu, vẫn cầm lái quá giờ quy định… Và đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan tới xe tải, xe khách đường dài vẫn diễn biến phức tạp thời gian qua, dù mức phạt đã tăng nặng đáng kể.

Trước khi thực hiện, các cơ quan chức năng đã cấp giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm của các doanh nghiệp. Thế nhưng, có ý kiến từ địa phương cho rằng, hiện nay vẫn chưa có quy chuẩn rõ ràng cho thiết bị giám sát hành trình và doanh nghiệp cung cấp thiết bị chỉ chạy theo lợi nhuận thay vì quan tâm đến chất lượng. Cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra, nếu đã lắp thiết bị giám sát hành trình (đã được chứng nhận hợp quy) thì cho lưu hành và không kiểm soát, quản lý chất lượng thiết bị giám sát? Thiết bị không rõ chất lượng, mỗi nhà cung cấp thiết bị sử dụng một phần mềm thay vì một phần mềm quản lý thống nhất, khiến việc lắp thiết bị giám sát hành trình bất ổn! Chưa nói tới chất lượng, thiếu thống nhất thì kiểm tra, quản lý cũng khó, thậm chí rối rắm!

Doanh nghiệp vận tải thiếu trách nhiệm, lái xe phóng nhanh, vượt ẩu… vì lợi nhuận khiến dư luận bức xúc là chuyện thường lâu nay. Có trách, có kêu cũng chẳng giải quyết được nếu nhà xe không tự ý thức trách nhiệm hoặc bị kiểm soát, quản lý gắt gao. Còn với cơ quan chức năng? Xem ra, sau một thời gian dài chuẩn bị, thực hiện, vẫn đang lúng túng với thiết bị giám sát hành trình. Liệu có cần lùi thời hạn thêm một lần nữa? Đương nhiên là rất không nên! Dân cần lắm rồi! Nhưng, nếu làm mà như không thì có lẽ phải xem xét lại! Thà chậm mà chắc còn hơn làm chỉ để đối phó. Các cơ quan chức năng chủ động đề xuất quy định, thời hạn áp dụng, biện pháp xử lý… nên thiết nghĩ cần tính toán thật kỹ để tránh thực hiện thiếu hiệu quả, thậm chí rơi vào thế bị động! Chẳng nên chủ động để lại… bị động!

Nguyễn Đức