Bài học về sự buông lỏng quản lý
Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 04/04/2013
Tầng lửng được xây chèn ngay trên tầng 1 của tòa nhà 14B Kim Liên. |
Việc lãnh đạo thành phố gặp đại diện người dân, công bố kết luận thanh tra những sai phạm của chủ đầu tư, ấn định tiến độ, giao nhiệm vụ khắc phục, kiểm tra, giám sát việc khắc phục vi phạm... phần nào đã mang lại hiệu ứng tích cực, giúp giải tỏa bức xúc cho người dân. Đại diện người dân ở cả hai dự án, sau khi nghe công bố nội dung biên bản làm việc giữa Tổ công tác Thanh tra Chính phủ và UBND TP Hà Nội thống nhất phương án giải quyết tố cáo của các hộ dân, đều bày tỏ sự đồng tình cao và khẳng định với kết luận rõ ràng của cơ quan thanh tra, phương án giải quyết thấu tình, đạt lý của UBND TP, người dân không còn lý do để tiếp tục khiếu kiện. Người dân cho rằng, họ đã làm tròn trách nhiệm công dân là giám sát, phát hiện sai phạm, báo cáo cơ quan chức năng xử lý. Còn bây giờ là lúc các cấp chính quyền, các ngành chức năng thể hiện vai trò và hiệu lực của cơ quan quản lý nhà nước.
Kết luận của cơ quan thanh tra đã rõ, thiết nghĩ không cần nhắc lại những sai phạm của chủ đầu tư ở hai dự án trên, qua đây chỉ xin nêu một vấn đề về vai trò của các cấp chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở. Chính quyền cơ sở có biết những vi phạm của chủ đầu tư hay không? Nếu biết, sao không xử lý để người dân khiếu kiện kéo dài, lên đến thành phố, Thanh tra Chính phủ phải xem xét giải quyết? Câu trả lời là chính quyền cơ sở biết, nhưng không xử lý được. Tại dự án 93 Lò Đúc, lật lại hồ sơ, có đủ biên bản vi phạm, quyết định đình chỉ của cấp phường, quận, nhưng rồi vi phạm vẫn mặc nhiên tồn tại, để đến khi cơ quan thanh tra kết luận thì vi phạm đã hết thời hiệu xử lý và phần công trình vi phạm chủ đầu tư đã bán và người dân đã sử dụng. Hay dự án B14 Kim Liên, liên ngành quy hoạch - kiến trúc, xây dựng có phương án xử lý kiến trúc công trình (phần vi phạm); UBND TP có quyết định buộc chủ đầu tư thực hiện, giao nhiệm vụ cho chính quyền quận, các ngành liên quan đôn đốc, giám sát từ tháng 7-2012, nhưng đến trước khi có cuộc đối thoại giữa lãnh đạo thành phố với người dân, gần như chủ đầu tư không có một động thái thực hiện nào. Thậm chí, người dân cũng hiểu rằng để đến khi công trình đã hoàn thiện, người dân đã về ở thì sự đã rồi, việc buộc khắc phục là rất khó, gây tốn kém thời gian, tiền của cho chủ đầu tư và xã hội.
Không riêng hai công trình này, mà nhiều công trình vi phạm trật tự xây dựng khác đã bị xử lý (số 4 Đặng Dung, số 7 Đào Duy Anh trước đây, hay 55A, 55B Bà Triệu, các công trình trên địa bàn phường Bùi Thị Xuân mới đây) là những bài học cho sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, né tránh của cán bộ được giao nhiệm vụ. Vì thế, không chỉ yêu cầu chủ đầu tư khắc phục vi phạm, phải xem xét cả trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nơi có các công trình trên.