Nguy cơ lây bệnh từ động vật sang người: Thách thức với cả cộng đồng
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:35, 04/04/2013
Nghiên cứu vắc xin H5N1 tại Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Ảnh: Thái Hiền |
75% bệnh trên người bị lây từ động vật
TS Văn Đăng Kỳ ở Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay đã xuất hiện một số bệnh truyền nhiễm lây từ động vật sang người như cúm gia cầm H5N1, xoắn khuẩn, nhiệt thán, dại, liên cầu khuẩn, phó thương hàn ở lợn… Các loại bệnh này không những gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi, mà còn đe dọa đến sự sống của con người. Mới đây, Cục Thú y công bố kết quả giám sát lưu hành vi rút trên vịt tại 268 chợ buôn bán gia cầm sống của 125 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố cho thấy, có 29/30 tỉnh, thành phố đã phát hiện có vi rút cúm A; 23/30 địa phương phát hiện có vi rút cúm H5; 20/30 địa phương có vi rút cúm H5N1.
Tại 268 chợ buôn bán gia cầm sống, có 187 điểm dương tính với cúm A (chiếm 69,7%); 79 điểm dương tính với vi rút cúm H5 (29,5%) và 69 điểm dương tính với vi rút cúm H5N1 (25,7%).
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn bệnh cúm gia cầm là nguồn dịch thiên nhiên nên khó kiểm soát triệt để vì vi rút H5N1 tồn lưu trong môi trường, trong đàn thủy cầm, chim di trú và dễ xâm nhập từ nước ngoài do các hoạt động buôn lậu qua biên giới. Vì vậy, tình trạng lây nhiễm cúm gia cầm H5N1 ngày càng nghiêm trọng, từ năm 2003 đến nay đã có 123 trường hợp mắc bệnh và 61 trường hợp tử vong về cúm H5N1. Hay như bệnh nhiệt thán trên động vật xảy ra tại 4 xã, thị trấn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu năm 2011 đã lây lan sang 13 người, trong đó có 1 người bị tử vong do tiêu thụ thịt gia súc mắc bệnh. Ngành y tế còn xác định trong 11 trường hợp liên quan đến bệnh liên cầu khuẩn ở lợn, có 8 trường hợp ăn tiết canh lợn (chiếm 73%)... Trong khi đó, theo kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán thú y trung ương, tại 12 bản của 3 xã huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La đã có 158/735 mẫu dương tính với bệnh giun xoắn khiến 23 người bị nhiễm và 2 người chết. Nguyên nhân là do người dân ăn thịt lợn chưa nấu chín như gỏi, thịt chua…
Theo TS Stan Fenwick, Giám đốc kỹ thuật vùng thuộc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam, kể từ đầu thế kỷ XXI đến nay, có tới 75% trên tổng số các loại bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện gây tác hại tới sức khỏe con người có nguồn gốc từ động vật, chủ yếu là bệnh cúm gia cầm H5N1, cúm H1N1, SARS… 29/92 tác nhân gây bệnh và gây tử vong cho người là do bệnh truyền từ động vật sang, ngoài ra còn có 1.415 loài vi sinh vật gây bệnh…
Chăn nuôi an toàn sinh học
Các ý kiến tham luận tại hội nghị đều cho rằng, sự xuất hiện các loại bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người chủ yếu là do ngành chăn nuôi của Việt Nam nhỏ lẻ, nằm rải rác ở các vùng dân cư khác nhau nên khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, ngoài những bệnh nguy hiểm đang xuất hiện thì gần đây tại Trung Quốc đã xuất hiện chủng vi rút cúm gia cầm mới H7N9 đã gây tử vong cho người mà chưa có thuốc phòng trừ. Do đó, để kiểm soát tốt sự lây truyền bệnh từ động vật sang người, Bộ NN&PTNT khuyến cáo người dân phải chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học. Các cấp, các ngành cần tập trung tuyên truyền cho người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh vật nuôi và các biện pháp phòng chống để có hiệu quả cao nhất. Các địa phương phải giám sát việc tiêm phòng vắcxin bắt buộc đối với các bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bệnh dại, tai xanh… tỷ lệ tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn mới ngăn ngừa được dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, bệnh cúm gia cầm và các bệnh truyền nhiễm khác có nguồn gốc từ động vật đang là nguy cơ lớn tác động tới an ninh lương thực, an toàn thực phẩm và sinh kế của người dân. Do đó, trong thời gian tới cần phải có sự phối hợp của các quốc gia, khu vực và toàn cầu để chia sẻ thông tin, hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính nhằm kiểm soát các bệnh dịch nguy hiểm từ động vật. Các bộ, ngành chức năng cần thường xuyên và định kỳ phổ biến chính sách, pháp luật về phòng chống bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi. Đồng thời, tổ chức giám sát chặt chẽ hoạt động chăn nuôi buôn bán, giết mổ, chế biến động vật nhằm phát hiện kịp thời sự xuất hiện của dịch bệnh, hạn chế mức thấp nhất sự lây nhiễm bệnh từ động vật sang người.