Nhìn lại kinh tế-xã hội Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO
Kinh tế - Ngày đăng : 14:38, 03/04/2013
Theo đó, vấn đề xuyên suốt trong các Chiến lược và Kế hoạch phát triển KTXH là hội nhập kinh tế quốc tế (HNKTQT) sâu rộng và hiệu quả để phát triển nhanh, bền vững nhằm mục tiêu chiến lược đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên.
Thực tế từ năm 2007 đến nay, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới biến đổi nhanh với những diễn biến phức tạp. Trong thời gian qua, tuy quá trình HNKTQT đã đem lại những kết quả tích cực và có những tác động sâu sắc đến kinh tế và xã hội, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức. Tiếp cận thị trường xuất nhập khẩu dễ dàng hơn, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng nhanh, môi trường kinh doanh được cải thiện và minh bạch hơn, thể chế kinh tế theo định hướng thị trường được củng cố và hoàn thiện nhanh hơn, thế và lực của Việt Nam trên trường thế giới ngày càng được nâng cao.
Tuy nhiên, thực hiện các cam kết HNKTQT cũng làm nảy sinh một số vấn đề. Các ngành công nghiệp trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều chỉnh do sức ép cạnh tranh. Mở cửa và hội nhập sâu rộng hơn cũng làm cho nền kinh tế dễ bị tổn thương và có thể dẫn đến các rủi ro và bất ổn kinh tế vĩ mô. Môi trường thiên nhiên có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do các hoạt động kinh tế với cường độ cao.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2011-2015, với mục tiêu thực hiện những đột phá về cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực, cũng như đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, Việt Nam sẽ phải thực hiện đầy đủ hơn các cam kết HNKTQT trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khu vực và song phương. Một số các cam kết HNKTQT mới quan trọng như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng sẽ được đàm phán, ký kết và đi vào thực thi, với phạm vi rộng hơn và mức độ cam kết mở cửa cao hơn.
Do vậy, đánh giá tổng thể tình hình KTXH Việt Nam từ khi gia nhập WTO đến nay để đưa ra các đề xuất điều chỉnh chính sách một cách phù hợp nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả HNKTQT trong giai đoạn 2011-2015 trở thành một yêu cầu bức thiết.
Báo cáo đánh giá, tổng kết những chuyển biến về KTXH Việt Nam từ khi gia nhập WTO năm 2007 đến 2011 trên các khía cạnh kinh tế (tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển vùng), ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát, tỷ giá, cán cân thanh toán, thị trường tài chính, ngân sách nhà nước), xã hội (việc làm, an sinh xã hội, đói nghèo), giáo dục, y tế, môi trường và thể chế.
Đề xuất 4 nhóm khuyến nghị phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô
Đáng chú ý, trong báo cáo đã tập trung vào 4 nhóm khuyến nghị để trình Chính phủ gồm: các nhóm chính sách kinh tế, nhóm chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, nhóm chính sách xã hội, nhóm chính sách liên quan đến thể chế.
Theo đó, ở nhóm các chính sách kinh tế, báo cáo đề cập mạnh đến việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; Giải quyết vấn đề nhập siêu một cách cơ bản để đến năm 2020 đạt được cân bằng cán cân thương mại một cách bền vững, kết hợp với việc nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ; nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng việc nâng cao năng lực cạnh tranh cả ở 3 cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và mặt hàng. Tiếp theo đó là sớm triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020 (Quyết định 339/QĐ-TTg ngày 19/2/2013).
Bên cạnh đó là đề ra các chính sách phù hợp với các cam kết HNKTQT để loại bỏ các dự án FDI không mang lại lợi ích quốc gia. Điều chỉnh cơ cấu FDI theo hướng tăng tỷ trọng dòng vốn vào các ngành sản xuất, đầu tư phải đi kèm với tăng năng lực sản xuất, tạo lợi thế xuất khẩu. Gắn chiến lược thu hút vốn với giám sát quá trình thực thi, hoạt động. Điều chỉnh lại cơ chế phân cấp đầu tư, trong đó có phân cấp ĐTNN.
Mặt khác là ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích tiết kiệm nội địa, thu hút đầu tư từ mọi nguồn vào phát triển kết cấu hạ tầng, các ngành, lĩnh vực tháo gỡ các ách tắc, yếu kém của nền kinh tế, vùng sâu, vùng xa, các trung tâm công nghiệp lớn, các dự án tạo nhiều việc làm. Các tiêu chí thẩm định dự án phải gắn với chất lượng và tính bền vững của dự án, trách nhiệm xã hội của nhà đầu tư.
Hơn nữa, ở nhóm giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, báo cáo đề xuất chính sách tỷ giá cần được định hướng trong một khung khổ chính sách kinh tế vĩ mô chung theo hướng: giúp duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế; tạo đủ dư địa dao động tỷ giá qua đó tăng tính linh hoạt cho chính sách tiền tệ và vai trò đưa ra tín hiệu trên cơ sở thị trường của tỷ giá; Chủ động và tích cực hợp tác với các nước trong khu vực nhằm ứng phó với những rủi ro chung đối với an ninh tài chính và tiền tệ ở cấp độ khu vực.
Đáng chú ý ở nhóm chính sách xã hội cần tiếp tục cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường hiệu quả đào tạo, chú trọng các nhóm người lao động yếu thế; nâng cao tính cạnh tranh của lao động Việt Nam; Chú trọng phát triển việc làm; Hỗ trợ người lao động tiếp cận đến hệ thống an sinh xã hội. Đa dạng hóa và phát triển có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội đối với các nhóm yếu thế và dễ bị tổn thương trong HNKTQT.
Áp dụng các giải pháp giảm nghèo nhanh, toàn diện và bền vững, bảo đảm cho người nghèo được thụ hưởng thành quả của quá trình tăng trưởng và HNKTQT. Thực hiện đồng bộ, toàn diện và hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo cơ hội cho hộ nghèo tiếp cận các chính sách trợ giúp về hạ tầng phục vụ sản xuất xuất khẩu, đất đai, tín dụng, dạy nghề, tạo việc làm, khuyến nông – lâm – ngư, tiêu thụ sản phẩm.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu thực hiện tốt các khuyến nghị chính sách trên sẽ phát huy tối đa các cơ hội, giảm thiểu các tác động không mong muốn trong khi nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn; hoàn thành tốt các mục tiêu của Chiến lược phát triển KTXH 2011-2020 và Kế hoạch phát triển KTXH 2011-2015 của Việt Nam.