Hàng lậu Gucci - Milano thanh lý bằng 1/3 giá niêm yết
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 03/04/2013
Trong cuộc gặp báo chí chiều ngày 2/4, liên quan đến vụ việc lô hàng hiệu của Gucci - Milano bị bắt tại TP.HCM, bà Nguyễn Thị Như Mai - Cục trưởng Cục quản lý thị trường Hà Nội - khẳng định đây là hàng thật, với tổng giá trị 8.000 mặt hàng theo giá niêm yết lên tới 99,4 tỷ đồng. "Khi được yêu cầu, phía Gucci đã đưa ra được hóa đơn chứng minh lô hàng trên. Theo quy định của Nhà nước, hộ kinh doanh không cần xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, mà chỉ cần bảng kê sản phẩm. Việc ghi chép thu chi bán hàng cũng được cửa hàng xóa ngay trong ngày để xóa đầu mối kiểm tra của cơ quan chức năng".
Lô hàng hiệu của Gucci - Milano bị bắt là đồ thật, trị giá gần 100 tỷ đồng. |
Bà Mai cho biết, sau quá trình đấu tranh, phía Gucci - Milano đã thừa nhận số hóa đơn chứng từ trên là quay vòng, dùng để nhập một lô hàng khác chứ không phải 8.000 sản phẩm được thu giữ. Hiện số hàng hiệu trên đã được rao bán thanh lý với giá 29,6 tỷ đồng, nhưng chưa có đơn vị nào đứng ra mua. "Chúng tôi sẽ có kiến nghị chia nhỏ số hàng này theo chủng loại nhằm giúp công tác thanh lý dễ dàng hơn", người đứng đầu Cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay.
Về vụ "sữa dê" Danlait, Cục quản lý thị trường cho biết đến nay vẫn chưa thống nhất được tên gọi của sản phẩm để tiến hành xử lý vi phạm. Phía Bộ Công Thương xác đinh tên gọi của sản phẩm là "Sữa dê công thức 1", Cục An toàn vệ sinh thực phẩm lại cho rằng đây là "sữa bổ sung" (thực phẩm bổ sung), không thống nhất với tên gọi "Sữa dê" trên các giấy tờ Hải quan.
"Trong khi đó, cơ quan kiểm tra chất lượng của nhãn sữa Danlait tại Pháp khẳng định đây là sản phẩm thông thường, không phải là thực phẩm chức năng, tên gọi gốc là 'sữa trẻ em có nguồn gốc từ sữa dê", ông Vương Chí Dũng, Cục phó Cục quản lý thị trường Hà Nội cho hay. Trong chiều ngày 2/4, ba cơ quan sẽ ngồi lại làm việc để thống nhất cách gọi cho sản phẩm, làm cơ sở xử lý vi phạm.
Các cơ quan cung cấp chứng từ về sữa dê Danlait không thống nhất tên gọi sản phẩm. |
Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Công thương vào chiều ngày 1/4, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường của Bộ cho biết đã xác đinh được 3 sai phạm chính của công ty Mạnh Cầm, đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm sữa Danlait. Theo đó, quy định bắt buộc ghi "sữa mẹ là thực phẩm tốt nhất cho trẻ sơ sinh...", "là sữa không phải là thuốc..." hay "chỉ sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ..." không được doanh nghiệp này ghi trên nhãn. Hơn nữa, nếu gọi tên là sữa dê, Mạnh Cầm phải kê khai giá, nhưng doanh nghiệp không thực hiện quy định trên.
Ngoài ra, mức thuế áp dụng cho sản phẩm sữa hiện chỉ là 10%, trong khi thực phẩm chức năng là 15%. "Nếu xác định đây không phải là sữa, công ty này có thể phải nộp thêm 175 triệu đồng tiền thuế", đại diện Cục quản lý thị trường cho hay.
Nhận định tình hình mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng và thẩm lậu sản phẩm nông nghiệp đang diễn biến một cách phức tạp, Cục trưởng Cục quản lý thị trường tiết lộ, chỉ trong vòng quý I/2013, số tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thị trường đã bằng với cả năm 2012, đạt 65 tỷ đồng. Hiện trên địa bàn Hà Nội đã cơ bản kiểm soát được tình trạng gà nhập lậu qua chợ Hà Vĩ, cũng đã tiến hành ra quân và xử lý việc buôn bán mũ bảo hiểm dởm, kém chất lượng sau đợt truy quét liên tục trong 2 tháng vừa qua.