Điều hành giá cả phải minh bạch

Kinh tế - Ngày đăng : 05:57, 03/04/2013

(HNM) - Ngay sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,19% so với tháng trước được công bố, thông tin giá xăng tăng mạnh (1.430 đồng/lít) lại khiến dư luận lo ngại về một đợt tăng giá mới.

Trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập sâu, rộng với thế giới, việc giá cả nhiều loại hàng hóa thiết yếu, trong đó có xăng, dầu được điều tiết tăng, giảm theo thị trường là tất yếu. Tuy nhiên, sau mỗi đợt tăng giá như vậy, vấn đề công khai, minh bạch và yếu tố chủ động của cơ quan quản lý trong điều hành giá cả hàng thiết yếu lại được dư luận đặt ra.

Việc tăng giá xăng dầu dự báo sẽ dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng trong những tháng tới. Ảnh: Đàm Duy


Giá xăng dầu tăng và phản ứng dây chuyền

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 3, chỉ số lạm phát được kiềm chế, thị trường giá cả tương đối ổn định. CPI tháng 3 đã giảm 0,19% so với tháng trước và là tháng đầu tiên có chỉ số này giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp. So với tháng 12-2012, CPI tháng 3 đã tăng 2,39%, đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm qua. Trong tháng 3, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, vốn là nhóm chiếm quyền số cao nhất trong rổ hàng hóa dịch vụ tính CPI, có mức giảm 0,53%. Hầu hết các nhóm hàng hóa, dịch vụ còn lại đều giảm giá so với tháng trước. Chỉ có nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình tăng nhẹ 0,23%, tiếp đến là nhóm hàng may mặc, giày dép tăng 0,18%… Tính chung cả quý I-2013, CPI đã tăng 6,91% so với quý I năm 2012.

Tuy nhiên, ngay sau khi CPI tháng 3 được công bố, giá các mặt hàng xăng, dầu bất ngờ tăng giá từ 20h ngày 28-3. Theo Bộ Tài chính, từ cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, giá xăng dầu thế giới vận động theo xu hướng tăng, khiến giá cơ sở tăng cao. Để giữ ổn định giá xăng dầu trong nước, Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá (BÔG) với mặt hàng này. Vào thời điểm ngày 26-2-2013, giá xăng dầu thế giới tăng ở mức cao, nên giá bán lẻ trong nước thấp hơn giá cơ sở 1.000-2.300 đồng/lít. Để ổn định thị trường, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tăng giá bán lẻ xăng dầu mà tiếp tục sử dụng Quỹ BÔG để bù đắp. Trong thời điểm hiện nay, giá xăng dầu thế giới tuy có giảm, nhưng vẫn ở mức cao, trong khi Quỹ BÔG xăng dầu đã hết. Thêm vào đó, do thực hiện chính sách BÔG nên giá bán lẻ xăng, dầu tại thị trường Việt Nam hiện thấp hơn các nước có chung đường biên giới từ 2.000 đồng đến hơn 5.000 đồng/lít. Thực tế này dẫn đến tình trạng buôn lậu xăng dầu tại khu vực biên giới gia tăng.

Là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc tăng giá xăng, dầu nên các DN vận tải đã lập tức có kế hoạch điều chỉnh cước phí sau khi giá xăng tăng kỷ lục lên 24.580 đồng/lít. Đại diện Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, 3 tháng đầu năm, lượng khách của các DN giảm 40% so với năm trước. Trong năm qua, giá xăng tăng tổng cộng 3.280 đồng/lít, còn giá taxi mới tăng 800-1.000 đồng/km. Việc tăng giá xăng sẽ khiến DN taxi buộc phải điều chỉnh cước phí và dự kiến, giá cước mới tăng lên 600-1.000 đồng/km mới bù đắp được phần nào mức tăng của giá xăng. Bên cạnh đó, mỗi DN cũng phải tiết giảm triệt để chi phí, giảm số kilômét rỗng... nhằm tiết kiệm tối đa chi phí mới có thể cân đối được thu chi.

Mặc dù quyết định tăng giá xăng dầu được đưa ra trong bối cảnh khá thuận lợi là CPI tháng 3 giảm, thị trường hàng hóa và sức mua đều ổn định. Bối cảnh này đã giúp giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ khác chưa rơi vào tình trạng tăng giá kiểu "té nước theo mưa". Tuy nhiên, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới có chiều hướng giảm, người dân và DN đang chờ quyết định giảm giá xăng thì câu trả lời "quỹ bình ổn đã hết" của ngành chức năng dường như chưa đủ sức thuyết phục. Yêu cầu được công khai tình hình sử dụng Quỹ BÔG và những phương án kiềm chế tăng giá hậu tăng giá xăng chính là đòi hỏi bức thiết của dư luận trong thời điểm hiện nay.

Lựa chọn rau củ tại chợ Hôm. Ảnh: Phương An


Cần minh bạch trong điều hành giá

Trước những thông tin liên quan đến tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BÔG xăng dầu, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, vấn đề tăng cường công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ BÔG luôn là tư duy điều hành của Bộ Tài chính và thực tế đã công khai, dù hơi trễ. Để khắc phục, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ yêu cầu DN kịp thời báo cáo kết dư Quỹ BÔG hằng tháng, thay vì mỗi quý một lần. Thông tin về Quỹ BÔG cần được công khai, minh bạch ở mức cao nhất để người dân và các cơ quan chức năng giám sát. Theo số liệu của Bộ Tài chính, trong hơn một tháng trở lại đây, tình hình giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp. Số dư của Quỹ BÔG xăng dầu vào ngày 20-2 vẫn còn 728 tỷ đồng, còn đến thời điểm 28-3, Quỹ BÔG đã âm (-) vì vậy buộc phải điều chỉnh giá xăng.

Cùng với yêu cầu công khai số dư của Quỹ BÔG xăng dầu, Bộ Tài chính cũng công bố những biện pháp điều hành giá cả hàng hóa sau khi giá xăng dầu tăng cao. Bộ Tài chính đề nghị Sở Tài chính các địa phương phối hợp với quản lý thị trường và các cơ quan liên quan trên địa bàn tăng cường công tác quản lý. Các đơn vị chức năng cần thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến giá cả thị trường, nhất là giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, sữa, gas, cước vận tải… kịp thời báo cáo UBND tỉnh, TP nhằm có biện pháp thích hợp để ổn định thị trường theo quy định của pháp luật. Bộ cũng yêu cầu các đơn vị chức năng giám sát chặt chẽ việc đăng ký, kê khai giá và kiên quyết xử lý các trường hợp tăng giá hàng hóa, dịch vụ không do tác động trực tiếp của việc điều chỉnh giá xăng dầu, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp tự ý tăng giá theo quy định của pháp luật.

Việc Bộ Tài chính công khai số dư của Quỹ BÔG đồng thời chủ động đưa ra các giải pháp kiểm soát tăng giá sau khi giá xăng dầu tăng cao sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định thị trường và giảm áp lực gia tăng chỉ số lạm phát khi các mặt hàng thiết yếu điều chỉnh tăng giá theo thị trường.

Hương Ly