LHQ bỏ phiếu về hiệp ước vũ khí toàn cầu

Thế giới - Ngày đăng : 14:33, 02/04/2013

(HNMO) – Hôm nay, 2/4, Đại hội đồng Liên hợp quốc dự kiến sẽ bỏ phiếu về hiệp ước đầu tiên để điều chỉnh doanh số buôn bán vũ khí thông thường toàn cầu trị giá 70 tỷ USD mỗi năm.


Cuộc bỏ phiếu được tiến hành 1 tuần sau khi Iran, Triều Tiên và Syria ngăn việc thông qua hiệp ước.

Những người ủng hộ hiệp ước cho biết, việc giữ cho vũ khí tránh xa bàn tay của những kẻ khủng bố và tội phạm có tổ chức là cần thiết.

Bản dự thảo hiệp ước dự kiến sẽ được thông qua bởi đa số các quốc gia thành viên.

Hiệp ước này sẽ cấm các nước xuất khẩu vũ khí thông thường vi phạm lệnh cấm vận vũ khí, hoặc các loại vũ khí sẽ được sử dụng vào các hành vi diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh hay khủng bố.

Hiệp ước cũng sẽ yêu cầu các nước ngăn chặn vũ khí thông thường trên thị trường chợ đen.



Năm ngoái, những nỗ lực để tìm sự đồng thuận với bản hiệp ước quốc tế đã bị phá vỡ sau khi Mỹ, tiếp đó là Nga và Trung Quốc cho biết, họ cần thêm thời gian để xem xét vấn đề này.

Tiếp đó, hồi tuần trước, một hội nghị dự thảo hiệp ước của Liên hợp quốc đã không đạt được sự đồng thuận sau khi vấp phải sự phản đối từ Iran, Triều Tiên và Syria.

Iran cho biết, hiệp ước đầy các sai sót và sơ hở, trong khi Triều Tiên cho rằng, nó thiếu công bằng.

Bản dự thảo sau đó đã được gửi đến Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, người được yêu cầu đại diện cho các quốc gia ủng hộ hiệp ước, đưa bản hiệp ước ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng ngày hôm nay.

Được biết, một số nước vẫn có những quan ngại về hiệp ước, trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, những người ủng hộ hiệp ước tin rằng, bản dự thảo sẽ dễ dàng đạt được đa số phiếu cần thiết để vượt qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng.

Sau đó, bản dự thảo sẽ cần phải được ít nhất 50 thành viên phê chuẩn để có hiệu lực.

Tại Mỹ, nhóm vận động hành lang ủng hộ súng lớn nhất, Hiệp hội súng trường quốc gia, đã tuyên bố sẽ hành động chống lại sự phê chuẩn của Thượng viện, mặc dù Liên hợp quốc cho biết, hiệp ước này không can thiệp vào pháp luật về vũ khí trong nước.

V.A