Làng Mễ Trì
Xã hội - Ngày đăng : 11:04, 24/05/2004
Hai làng Mễ Trì (Thượng và Hạ), tên Nôm là Kẻ Mẩy, trước Cách mạng Tháng Tám 1945 nằm trong một xã mang tên Mễ Trì thuộc tổng Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Xưa kia, xã còn có tên là Anh Sơn, do trên cánh đồng làng rộng lớn nổi lên một gò đất cao, gọi là núi Anh. Vết tích của địa danh hành chính “Anh Sơn” còn được lưu qua các câu đối ở đình làng và cổng làng.
Về tên gọi Mễ Trì, dân gian giải thích là do ở đồng làng có một hồ lớn, rộng tới 40 mẫu, nên gọi là đồng Đầm. Xung quanh đầm là hệ thống ruộng bậc thang, cấy giống lúa tám xoan cho hạt gạo nấu cơm rất thơm và dẻo, trắng.
Mễ Trì còn là nơi in đậm dấu ấn lịch sử. Tháng 11 - 1426, tướng quân Lê Thụ chỉ huy một cánh quân Lam Sơn đóng tại đây, lập đài quan sát trên núi Anh, sau đó đã chặn đánh quân xâm lược Minh do Phương Chính chỉ huy, buộc chúng phải tháo chạy về thành Đông Quan. Trong chiến dịch này, làng Mễ Trì Thượng có ông Nguyễn Tiến theo Lê Thụ đánh giặc, lập được nhiều công nên về sau được thăng chức Ngự tiền Đô chỉ huy sứ. Đến mùa Xuân năm Kỷ Dậu (1789), một cánh quân của Đô đốc Long cũng đóng tại đồng Đầm, dựng đài quan sát trên núi Anh rồi bất ngờ đánh ra đồn Khương Thượng.
Hai làng Mễ Trì Thượng - Hạ xưa có chung ngôi đình ở đầu phía Bắc đầm Đại. Đình thờ Cao Sơn và Quý Minh, tương truyền là hai trong số 50 người con theo Lạc Long Quân đi ra biển cả. Về sau, đình bị đổ nát nên hai làng dựng đình riêng. Đình Mễ Trì Hạ thờ Lý Lữ - tướng của Lê Đại Hành, đình Mễ Trì Thượng phụ thờ Diêm Lý Phật Tử. Đình Mễ Trì Hạ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào dịp Người đi kiểm tra chống hạn (11- 01 - 1958).
Người nông dân Mễ Trì nổi tiếng về trình độ thâm canh lúa, từ việc cày bừa, chọn giống, đến chăm sóc. Do nhiều ruộng, lại biết thâm canh nên xưa kia, làng có rất nhiều thóc (tên gọi “Mễ Trì” - ao gạo nói lên điều đó). Vì thế dân gian có câu “Lắm quan kẻ Mọc, lắm thóc Mễ Trì”. Gạo tám xoan Mễ Trì là đặc sản nổi tiếng ở miền Bắc, xưa từng là sản vật để tiến vua, đã đi vào ca dao :
Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì
Tương Bần, húng Láng, còn gì ngon hơn.
Gắn với nghề trồng lúa với kỹ thuật thâm canh cao, người nông dân Mễ Trì còn có kỹ thuật nuôi trâu cày. Dân làng thường đi xa hàng chục cây số để cắt các loại cỏ mật (thơm, giòn, ngọt) về phơi khô để cho trâu ăn vào mùa khô.
Làng Mễ Trì Hạ có ông Đỗ Văn Hãng (1486 - ?), đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận (1514), làm quan đến chức Tả Thị lang. Ông đã hiến cho làng khoảnh đất để làng dựng chùa (Thích Ca tự) và đề đôi câu đối cho đình làng. Làng còn có ông Đỗ Huy Giáp đỗ Hương cống thời Lê.
Người Mễ Trì Thượng và Hạ (cả nam và nữ) rất giỏi vật võ. Thời Trần, có ông Giang Héo, ăn một bữa hết ba đấu gạo, đi đấu ở hội vật nào cũng đoạt giải, đã cùng các ông Đỗ Đức Lưu, Đỗ Ngọc Thuận là những đô vật giỏi, đã tham gia kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Cuối năm 1883, nghĩa quân Tự So đã lập căn cứ tại Mễ Trì để chống Pháp. Bằng võ thuật cao cường, nghĩa quân đã phục bắt tại làng Phương liệt (nay thuộc quận Thanh Xuân) cả toán lính cùng con voi do Tuần phủ Ninh Bình gửi ra tặng tên tướng thực dân Pháp ở Hà Nội. Sau đó, bọn Pháp cho quân đến Mễ Trì trả thù. Dân làng đã dùng gậy gộc đánh lại, buộc chúng phải rút chạy.
Ngày nay, Mễ Trì đang trên quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nhiều công trình dân sinh - kinh tế đang lần lượt mọc lên. Trong tương lai, đây là một khu đô thị lớn, hiện đại.
Tiến sĩ Bùi Xuân Đính