Năm học 2013-2014: Tăng cơ hội cho ngành khó tuyển

Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:33, 02/04/2013

(HNM) - Vào mùa tuyển sinh mới, bên cạnh công tác chuẩn bị tuyển sinh, các trường đại học, cao đẳng lại không khỏi


Tuyển sinh - Nhiều ngành chật vật

Qua nhiều mùa tuyển sinh, có ngành học năm nào cũng gặp phải tình trạng chật vật mới gom đủ thí sinh cho một lớp, diễn ra ở tất cả các cơ sở có đào tạo ngành này, đó là triết học. Có những trường sau khi kết thúc đợt tuyển nguyện vọng 1 còn không dám công bố số thí sinh trúng tuyển ngành triết học vì lượng thí sinh tuyển được quá ít so với chỉ tiêu.

Các trường đại học cần có những cơ chế đặc thù để thu hút sinh viên đối với những ngành khó tuyển sinh. Ảnh: Bích Ngọc


Cũng như các ngành khó tuyển khác, tình trạng này chủ yếu do thí sinh không nhìn thấy tương lai với cơ hội việc làm thấp. Tuy nhiên, dù cơ hội việc làm không cao, cử nhân triết học, ngoài kỹ năng nghiên cứu, giảng dạy các môn khoa học triết học còn có kỹ năng xử lý các công việc có tính chất quản lý công trong các tổ chức chính trị - xã hội. Thế nhưng, đa số thí sinh đều ngần ngại với ngành học và công việc đậm tính hàn lâm của ngành triết. Bên cạnh đó, có chuyên gia cho rằng, chất lượng giảng dạy và nghiên cứu triết học ở Việt Nam còn nhiều bất cập. Trước những khó khăn này, năm nay triết học là một trong 6 ngành khoa học xã hội cơ bản được Đại học Quốc gia Hà Nội hỗ trợ chi phí học tập với mức 4.200.000 đồng/năm, cùng các khóa học phát triển năng lực nghề nghiệp do nhà trường tổ chức mà không phải đóng học phí. Tương tự, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cũng ra thông báo miễn 100% học phí cho tất cả sinh viên trúng tuyển ngành triết học, Hán - Nôm.

Lãnh đạo Đại học Quốc gia cũng cho biết, nhiều ngành và chuyên ngành khác, như sinh học, toán học đại số và lý thuyết số, vật lý lý thuyết… không có người học nhưng nhà trường vẫn duy trì và phải bù lỗ. Bởi dù người học không quan tâm nhưng những ngành đó vẫn cần để phát triển khoa học toàn diện, tạo nguồn giảng viên cho trường và cho các trường khác, nếu không sau này sẽ không còn người dạy. Các trường vẫn đang duy trì đào tạo những ngành này bằng cách san sẻ kinh phí đào tạo từ những nguồn thu khác.

Bên cạnh đó, theo Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) Bùi Duy Cam, nhà trường có phần trách nhiệm khi chưa đưa được thông tin đầy đủ về ngành học, khiến thí sinh thiếu hiểu biết về ngành nên không thu hút được họ. Có những ngành hay, cơ hội việc làm cao nhưng tên ngành không hấp dẫn, khó hiểu cũng trở nên xa lạ với thí sinh. Đưa ra ví dụ ngành khí tượng thủy văn - hải dương học, ông Bùi Duy Cam cho biết sinh viên ngành này ra trường rất sẵn việc bởi ngành đang rất thiếu nhân lực. Trong khi đó, ngành đào tạo này lại rất khó tuyển sinh.

"Đầu ra" vẫn là mấu chốt

Bắt đầu từ năm học này, một số ngành khó tuyển đã được Chính phủ cho miễn học phí. Trong đó khối trường y có các chuyên ngành như lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh. Các chuyên gia trong ngành cho biết, ưu đãi này sẽ có ảnh hưởng tích cực mặc dù khó có thể coi là đủ sức thu hút sinh viên theo học. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú cũng cho biết ông tin rằng chính sách này sẽ góp phần giải quyết phần nào khó khăn nhân lực cho các ngành trên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh, điều quan trọng là cơ hội việc làm cho những ngành này rất cao. Các bệnh viện trung ương hiện đều đang rất thiếu nguồn nhân lực này. Người học cũng được nhà trường tạo điều kiện ở lại làm giảng viên hoặc đi đào tạo ở nước ngoài.

Thuộc vào loại hiếm, ngành khảo cổ học hiện nay được đào tạo duy nhất tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Mặc dù không có nhiều người theo học song theo Chủ nhiệm Bộ môn Lâm Thị Mỹ Dung, "gần như 100% sinh viên tốt nghiệp đều có việc làm đúng chuyên môn, thậm chí khi các em chưa tốt nghiệp, nhiều cơ quan, tổ chức đã đến đặt vấn đề tuyển dụng. Đó là vì nhu cầu nhân lực ngành này ở nước ta hiện rất lớn, trong khi số lượng đào tạo hằng năm rất hạn chế". Năm học sắp tới, để tăng cơ hội có việc làm cho sinh viên, nhà trường dự kiến đào tạo bằng kép cho cử nhân ngành khảo cổ học bằng cách cho phép sinh viên ngành này học thêm ngành quản trị du lịch và lữ hành.

Với Trường Đại học Khoa học tự nhiên, từ năm học trước, sinh viên học các chương trình đào tạo chuẩn có cơ hội học thêm ngành học thứ hai: Sinh viên ngành khí tượng học, thủy văn, hải dương học được đăng ký học ngành công nghệ thông tin của Trường Đại học Công nghệ; sinh viên ngành địa lý học được đăng ký học ngành quản lý đất đai, sinh viên ngành quản lý đất đai được đăng ký học ngành địa lý học. Ở Trường Đại học Công nghệ, sinh viên các ngành vật lý kỹ thuật và cơ học kỹ thuật từ năm thứ hai có thể đăng ký học bằng kép ngành công nghệ thông tin.

Quỳnh Phạm