Quyết liệt với ”lực cản”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 02/04/2013
Chuyện khó tin mà thật này đã khiến nhiều người liên tưởng tới một vụ việc khác diễn ra cách đây khoảng nửa tháng, gây xôn xao dư luận. Đó là chuyện bí thư tỉnh ủy tỉnh nọ đã đột xuất "vi hành" kiểm tra 7 quán cà phê và phát hiện hàng chục công chức tụ tập "chém gió" trong giờ làm việc.
Không khó để nhận thấy tình trạng cán bộ, công chức đi muộn về sớm, bớt xén "8 giờ vàng ngọc" cho việc túm năm tụm ba cà phê, đi bệnh viện, đi chợ, gọi điện thoại, tiếp khách, kéo dài bữa ăn trưa hay giấc ngủ trưa diễn ra khá phổ biến. Trước ngày nghỉ lễ hay sau dịp nghỉ tết, nhiều công sở vắng hoe vì cán bộ chưa đến hoặc bận "ra ngoài một lát" (người nào có nhu cầu liên hệ công việc đừng chờ vì chờ sẽ mất cả buổi). Một thống kê không chính thức đã chỉ ra rằng, vào những ngày đầu năm, 40% cơ quan công quyền có cán bộ "tranh thủ" đi lễ chùa, dự hội, cầu cúng…
Không chỉ có vậy, tình trạng cán bộ không am hiểu công việc, dốt chuyên môn, rất nhiều công chức còn sách nhiễu, làm khó dân để tham nhũng, vòi vĩnh. Có đến 44% doanh nghiệp được hỏi đã trả lời rằng để được việc, họ đã phải bỏ tiền ra "bôi trơn"; 63% nói họ bị kéo dài thời gian một cách cố tình, 58% nói họ không được hướng dẫn cụ thể (số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI). Một thống kê xã hội học khác cho thấy, mức độ hài lòng đối với thái độ thực thi công vụ của công chức một số sở của Hà Nội chỉ đạt mức 26,2-28%.
Những câu chuyện, con số "biết nói" trên cho thấy sự trì trệ, tắc trách, luộm thuộm, "gọi cho đúng bệnh" là sức ì của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ công chức lớn như thế nào. Tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận định, có đến 30% công chức thuộc loại có cũng được, không có cũng được, theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về", không mang lại bất cứ một hiệu quả công việc nào!
Cần phải khẳng định, có tình trạng một bộ phận cán bộ công chức kém phẩm chất, thiếu đức, thiếu tài trong bộ máy công quyền là do chúng ta còn buông lỏng quản lý, nể nang, né tránh, thiếu những quy chế nghiêm minh. Và chính sự yếu kém về kỷ cương, kỷ luật; chính sự trì trệ, sức ì của một bộ phận đội ngũ cán bộ công chức là lực cản lớn của tiến trình phát triển đất nước. Và đó cũng chính là nguyên nhân khiến Hà Nội tụt 17 bậc, đứng thứ 51/63 về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, thành, như Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đã thẳng thắn phê phán.
Tại Thông điệp đầu năm mới 2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ ra rằng: Có thể chế và chính sách tốt là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Thể chế và chính sách được vận hành thông qua thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức. Bởi vậy, phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, đặc biệt là phải nghiêm khắc xử lý những hành vi vi phạm, biểu hiện nhũng nhiễu trong đội ngũ "công bộc của dân". Vẫn biết là chuyện khắc phục không thể ngày một ngày hai, nhưng nếu không coi đây là một khâu quan trọng trong cải cách hành chính và không có một biện pháp ngăn chặn quyết liệt thì tình trạng trên sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn.