Việt Nam xuất khẩu cho Ghi-nê 300.000 tấn gạo/năm

Kinh tế - Ngày đăng : 10:35, 01/04/2013

(HNM) – Từ ngày 1-4-2013 đến 31-12-2015, Việt Nam sẽ cung cấp cho Ghi-nê 300.000 tấn gạo/năm.


Cộng hòa Ghi-nê là quốc gia nằm ở khu vực Tây Phi, có dân số 11 triệu người. Trong những năm qua, trao đổi thương mại giữa hai nước bước đầu có sự tăng trưởng khá, nhất là xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này.

Do sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên mỗi năm, Ghi-nê phải nhập khẩu từ 350.000 đến 400.000 tấn gạo. Trong khi đó Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới với lượng gạo xuất khẩu năm 2012 đạt 7,7 triệu tấn.



Trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Ghi-nê thời gian qua, gạo luôn là mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất, từ 60% đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Tuy nhiên kim ngạch xuất khẩu gạo thường tăng giảm thất thường và phần lớn xuất khẩu thực hiện qua trung gian là thương nhân của một nước thứ ba.

Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gạo của Việt Nam sang Ghi-nê đạt mức cao nhất 78 triệu USD trên tổng giá trị 95 triệu USD kim ngạch hàng hóa các loại. Ngoài mặt hàng gạo, Việt Nam còn xuất khẩu sang Ghi-nê hàng dệt may, giày dép, thuốc lá, sản phẩm sắt thép, hóa chất, linh kiện phụ tùng xe đạp xe máy, phân bón… và nhập khẩu từ thị trường này hạt điều, gỗ, khoáng sản, sắt thép phế liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến trong nước.

Việc ký kết Bản ghi nhớ này sẽ là cơ sở pháp lý cho việc thiết lập quan hệ mua bán gạo ổn định, trực tiếp, giúp phát triển quan hệ, từng bước tiến tới xây dựng đối tác chiến lược về cung cấp lương thực giữa Việt Nam và Ghi-nê.

Mở rộng thị trường xuất khẩu gạo sang Ghi-nê còn có ý nghĩa lớn đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam sang châu Phi, khu vực hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo hàng năm của Việt Nam, tạo động lực đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường các nước châu Phi khác.

Qua đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nâng cao vai trò chủ động, tích cực trong việc đảm bảo an ninh lương thực trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

L.H