Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình: Chỉ để đối phó!

Đời sống - Ngày đăng : 06:57, 01/04/2013

(HNM) - Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị GSHT chỉ mang tính đối phó, không bảo đảm yêu cầu của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải lắp đặt thiết bị GSHT chỉ mang tính đối phó, không bảo đảm yêu cầu của cơ quan quản lý. Điều này đã tác động xấu đến chất lượng dịch vụ vận tải và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng thời gian qua.

Hiện đã có trên 90% các loại xe vận tải hành khách được gắn thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: Trung Kiên


Lắp chỉ để đối phó

Theo Bộ GTVT, đến nay đã có 41.594 xe lắp đặt thiết bị GSHT. Trong đó, có 96% xe chở khách chạy tuyến cố định, 94% số xe buýt và 93% số xe vận tải container đã gắn thiết bị GSHT. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ GTVT tại 49 đơn vị kinh doanh vận tải, 11 bến xe tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng và Nghệ An thì hầu hết các thiết bị GSHT không đáp ứng được yêu cầu của cơ quan quản lý, trong đó chủ yếu là không theo dõi, trích xuất được thời gian làm việc của lái xe. Ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ GTVT cho biết, sau gần 2 năm triển khai việc lắp đặt thiết bị GSHT, dù gần 100% đơn vị kinh doanh vận tải đã lắp thiết bị nhưng rất ít đơn vị sử dụng các tính năng của thiết bị để phục vụ công việc quản lý. Nhiều đơn vị lắp thiết bị chỉ mang tính đối phó, nhưng cũng không ít trường hợp DN lắp, song không thể sử dụng được do thiết bị được cung cấp không bảo đảm chất lượng.

Cũng theo Thanh tra Bộ GTVT, có tới 43/49 đơn vị được kiểm tra chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị GSHT, tức là lắp đặt để đối phó với cơ quan chức năng; có 41/49 đơn vị thành lập bộ phận theo dõi về ATGT nhưng chỉ là hình thức, để đủ thủ tục, điều kiện xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải; có tới 26/49 đơn vị sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe không có trong danh sách lái xe, nhân viên đăng ký; có tới 41/49 đơn vị không đóng bảo hiểm cho nhân viên và lái xe. Điều này cho thấy các DN chưa coi trọng công tác quản trị DN, nhất là quản lý rủi ro, bảo đảm ATGT. Đây cũng là một trong những nguyên nhân xảy ra liên tiếp các vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách trong thời gian qua.

Thanh, kiểm tra toàn diện thiết bị giám sát hành trình

Đại diện một số sở GTVT địa phương thừa nhận, việc lắp đặt thiết bị GPRS đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt là từ khi có quy định xe phải lắp thiết bị GSHT mới được đăng kiểm nên tính đối phó càng thể hiện rõ hơn. Trong khi đó, thiết bị GSHT hiện nay cũng chưa có quy chuẩn rõ ràng. Các DN cung cấp thiết bị giám sát chỉ chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng. Theo ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện cơ quan đăng kiểm chỉ kiểm tra phương tiện có lắp thiết bị GSHT hay không, nếu có thiết bị này mới đủ điều kiện lưu hành. Đăng kiểm không được giao kiểm tra thiết bị có đáp ứng được quy chuẩn công bố hay không. Đây cũng là một kẽ hở để các đơn vị vận tải "lách" luật. Việc sử dụng thiết bị GSHT vào quản lý sẽ đem lại nhiều hiệu quả như tích hợp nhiều tính năng để quản lý chặt chẽ các yếu tố: tốc độ, thời gian lái xe, thẻ cho người lái xe và gắn kết máy in để cơ quan giám sát có thể kiểm tra. Tuy nhiên, để làm được điều này cần phải có một phần mềm thống nhất trên cả nước chứ không thể có quá nhiều phần mềm của nhiều nhà cung cấp như hiện nay.

Thanh tra Bộ GTVT cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, chấn chỉnh tình trạng đối phó của các DN, từ tháng 4 đến hết tháng 6-2013, Thanh tra Bộ sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tổng kiểm tra trên phạm vi 7 tỉnh, thành phố là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa. Đối tượng kiểm tra là 3 đơn vị thử nghiệm thiết bị, 52 nhà cung cấp thiết bị GSHT và các DN, hợp tác xã kinh doanh vận tải ký hợp đồng lắp thiết bị GSHT với các nhà cung cấp.

Tuấn Lương