Bổn phận to lớn, trách nhiệm nặng nề, sứ mệnh vẻ vang

Chính trị - Ngày đăng : 06:24, 01/04/2013

Những đấng quân vương anh minh như Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ… đã dốc lòng hun đúc vượng khí non sông; những danh nhân như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… là những hiền tài một đời vun đắp nguyên khí quốc gia.

Xưa…

Những đấng quân vương anh minh như Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Trần Nhân Tông, Lê Thái Tổ, Lê Thánh Tông, Nguyễn Huệ… đã dốc lòng hun đúc vượng khí non sông; những danh nhân như Lý Thường Kiệt, Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương… là những hiền tài một đời vun đắp nguyên khí quốc gia.

Và, biết bao người con ưu tú của đất nước chấp nhận gian khổ, gông xiềng, máy chém, đạn bom để hiến dâng cuộc đời và lý tưởng cho độc lập dân tộc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân. Mấy nghìn năm qua, những quân vương, hiền tài, những sĩ phu yêu nước, những chiến sĩ cách mạng, những người dân anh hùng, tất cả một lòng vì nước, vì dân. Họ là những con người uy quyền không thể khuất phục, giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay.

Ở thế kỷ XX, có một người đã làm rạng rỡ non sông ta, đất nước ta. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và mở ra thời đại Hồ Chí Minh ở Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của Người và được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng, Đảng ta đã giương cao ngọn cờ vẻ vang kết tinh được sức mạnh của truyền thống yêu nước, sức mạnh trí tuệ thời đại, đem lại và giữ vững độc lập nước nhà.

Hơn tám mươi năm qua, mọi thắng lợi của đất nước không tách rời sự lãnh đạo của Đảng. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, vai trò ấy của Đảng rất nổi trội và đậm nét. Lúc đó, ý Đảng, lòng dân sắt son gắn quyện bằng máu xương vì hai chữ “cứu nước”. Cho nên, lời kêu gọi của Đảng, của Bác Hồ được dân coi như lời non sông đất nước. Điều đó khẳng định, thực sự Đảng ta có một bổn phận vinh dự - bổn phận lãnh đạo. Sáu mươi tám năm nay, Đảng ta đã thực sự cầm quyền và có nhiều đóng góp cho nước, cho dân, nhất là công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.

Nay…

Trong điều kiện phát triển hòa bình, Đảng đang đứng trước thử thách của sự tồn vong chế độ, mà cuộc chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 hy vọng như một chiếc cầu để vượt qua thử thách đó. Thử thách ấy không chỉ của riêng Đảng, mà còn là của đất nước, của nhân dân. Sự gắn bó sắt son giữa Đảng và Dân thời chiến tranh, nay trong thời lao động hòa bình đang mòn phai vì “một bộ phận không nhỏ”. Thế là Đảng để một bộ phận không nhỏ xa dân, chứ dân đâu có bao giờ xa Đảng.

Và lúc này…

Nhân dịp toàn Đảng, toàn dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, hoàn thiện một Hiến pháp dân chủ hơn làm cơ sở xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, Đảng cần khẳng định trí tuệ và bản lĩnh qua Hiến pháp nhằm làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn và có sức hút niềm tin nơi dân mạnh mẽ hơn, để sự gắn bó sắt son Đảng - Dân thêm thắm lại.

Theo tinh thần Đại hội VI của Đảng, xin được nhìn thẳng vào sự thật dưới đây:

+ Thực chất, gần sáu mươi tám năm qua Đảng ta đã, đang cầm quyền. Dù Hiến định hay không vai trò lãnh đạo của Đảng, thì Đảng ta vẫn lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Thực tế lịch sử hơn tám mươi năm qua, không có một lực lượng chính trị nào đủ sức đảm đương vai trò lịch sử đó. Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là một tất yếu lịch sử nên tất yếu phải được hiến định.

+ Nhưng, từ thực tiễn, vai trò cầm quyền của Đảng đã là tất yếu, thì vai trò cầm quyền ấy phải được bảo đảm bằng pháp luật, đó cũng là logic tất yếu, cái tất yếu gốc rễ của chế định dân chủ. Chỉ khi được pháp luật bảo đảm thì vai trò cầm quyền ấy không thể dễ rơi vào trạng thái làm thay, lấn sân, đứng trên luật. Và đây, chính là cái gốc để đẩy lùi mọi sự suy thoái của “một bộ phận không nhỏ” đang có mặt ở các cấp và sự tha hóa quyền lực chính trị, mà biểu hiện là tình trạng tùy tiện, vô nguyên tắc, như Nghị quyết TƯ 4 đã nêu.

+ Trước yêu cầu hoàn thiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, việc thể chế hóa vai trò lãnh đạo (cầm quyền) của Đảng ta là một nhu cầu cấp thiết và cũng là tất yếu. Tức là phải thể chế hóa từ gốc của vấn đề, đó là vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

+ Thế và lực của đất nước hôm nay đủ điều kiện để Đảng ta thể hiện trí tuệ, khẳng định bản lĩnh và trách nhiệm cầm quyền một cách minh bạch hơn. Bản lĩnh và trách nhiệm cao là cái gốc để dân tin, dân theo.

Đôi điều về Điều 4 Dự thảo:

Khoản 1 nêu định nghĩa Đảng, khẳng định Đảng có vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Khoản 2 nêu quan hệ Đảng - Dân và ý thức trách nhiệm lãnh đạo của Đảng.

Khoản 3 nêu ý thức pháp luật của tổ chức Đảng, chứ chưa phải là trách nhiệm trước dân bằng pháp luật.

Như thế, hiện còn vắng bóng cơ sở pháp lý để tổ chức Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân.

Từ tình hình trên, một số câu hỏi được đặt ra là:

- Khi vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu, hiển nhiên rồi thì có cần phải định nghĩa Đảng trong Hiến pháp nữa không?

- Định nghĩa về tổ chức chính trị trong Điều lệ Đảng được hiến định hóa trong Hiến pháp liệu có phù hợp không?

- Trong Điều lệ, Đảng được định nghĩa trước hết là đội tiên phong của giai cấp công nhân, rồi mới đồng thời, là đội tiên phong của nhân dân lao động, của dân tộc. Nhưng đó là Điều lệ Đảng, còn ở đây là Hiến pháp, mà Hiến pháp trước hết phải thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân. Do đó, cụm từ “đồng thời” liệu có nhạy cảm trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc hay không?

Chúng tôi thiển nghĩ, không cần phải định nghĩa Đảng trong Điều 4.

Khoản 2, Điều 4 trong dự thảo mới dừng ở nêu ý thức trách nhiệm của Đảng, song, lại bị giới hạn trong khuôn khổ của các quyết định của Đảng. Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội toàn diện thì Đảng phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự lãnh đạo toàn diện của mình, mà sự lãnh đạo không chỉ dừng ở những quyết định.

Khoản 3, Điều 4 quy định: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Điều lệ Đảng cũng quy định như thế. Thực chất, đây là điều cam kết chỉ phản ánh ý thức pháp luật của tổ chức Đảng, trong Điều lệ Đảng là phù hợp, nhưng trong Hiến pháp đòi hỏi phải thể hiện được trách nhiệm pháp luật theo bổn phận cầm quyền; điều cam kết trên chưa là cơ sở pháp luật bảo đảm cho việc Đảng ta chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân. Việc chịu trách nhiệm trước nhân dân phải được bảo đảm bằng pháp luật.

Mặt khác, trong xã hội ta, mọi tổ chức, mọi công dân đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật! Đem một điều hiển nhiên, tất yếu mà toàn xã hội phải tuân thủ để hiến định trách nhiệm cho Đảng cầm quyền, e rằng không phải là đề cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội? Đảng ta là Đảng cầm quyền nên trách nhiệm cầm quyền phải cao hơn về vị thế pháp luật so với các tổ chức xã hội khác.

Từ cách lập luận trên, chúng tôi kiến nghị trình bày Điều 4 như sau:

“1. Mọi thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong tiến trình lịch sử cách mạng nước nhà không tách rời sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

2. Đảng phục vụ lợi ích của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về sự lãnh đạo của mình.

3. Vai trò lãnh đạo của Đảng được bảo đảm bằng pháp luật và do luật định”.

Trên cơ sở Khoản 3 này mới yêu cầu được các cấp ủy, mọi đảng viên chịu trách nhiệm trực tiếp trước pháp luật về những hành vi lãnh đạo của mình một cách minh bạch. Nếu không dễ rơi vào trách nhiệm hành chính hay trách nhiệm chính trị chung chung trong Đảng.

Như vậy, Logic của Điều 4 cho thấy:

Khoản 1: Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu;

Khoản 2: Xác định mối quan hệ gắn bó mật thiết với dân, phục vụ nhân dân bằng trách nhiệm lãnh đạo toàn diện là rõ ràng;

Khoản 3: Yêu cầu phải thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng là tất yếu của vị thế cầm quyền, là minh bạch chính trị, là cội nguồn quy tụ niềm tin nơi dân và đảng viên, đồng thời là trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Đảng ta.

Có thể nói rằng, bổn phận cầm quyền của Đảng ta được hình thành nên trong đấu tranh cách mạng, được hun đúc từ truyền thống anh hùng của dân tộc, được xây đắp bằng trí tuệ, máu xương của biết bao đồng bào, đồng chí. Đảng ta có vai trò lãnh đạo/cầm quyền một cách tất yếu, tự nhiên từ thực tiễn đấu tranh cách mạng và thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Như thế, bổn phận cầm quyền của Đảng ta thật to lớn. Bổn phận luôn gắn liền với trách nhiệm. Trách nhiệm ấy luôn đòi hỏi Đảng ta thể hiện trí tuệ và bản lĩnh làm cho nước nhà ngày một hưng thịnh. Như thế, trách nhiệm của Đảng ta thật nặng nề, nhưng vinh dự. Chỉ có gắn bó sắt son với nhân dân, Đảng ta mới thực hiện được sứ mệnh vẻ vang ấy trước lịch sử dân tộc.

PGS.TS Phạm Xuân Hằng