Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ ngành công nghiệp sữa thế giới

Kinh tế - Ngày đăng : 06:05, 01/04/2013

(HNM) - Cuối tháng 4 này, Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk sẽ đưa hai nhà máy sữa hiện đại nhất khu vực vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh ngày càng được mở rộng của Vinamilk, giúp người tiêu dùng được sử dụng những sản phẩm tốt nhất.

Trẻ em Việt Nam sẽ được sử dụng những sản phẩm sữa bột được sản xuất trên dây chuyền máy móc hiện đại vào hàng bậc nhất của thế giới tại Việt Nam.


Nhà máy sữa hiện đại nhất Châu Á

Hai công trình quan trọng này được đặt tại tỉnh Bình Dương. Với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 4.000 tỷ đồng (tương đương 200 triệu USD) hai siêu nhà máy này được Vinamilk đầu tư công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới từ các nước tiên tiến như Thụy Điển, Đức, Italia, Áo,... và là những nhà máy thế hệ hiện đại nhất, tiên tiến nhất hiện nay trong khu vực Châu Á cũng như thế giới. Nhà máy Sữa bột trẻ em Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore có tổng diện tích 6 hécta, công suất 54.000 tấn sữa/năm, cao gấp 4 lần công suất Nhà máy Sữa bột Dielac 1 hiện có của Vinamilk. Với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, nhà máy được trang bị hệ thống khép kín, tự động hóa hoàn toàn, từ khâu chế biến đến đóng lon, đóng thùng bảo đảm tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm. Hai tháp sấy sữa tại nhà máy là những tháp sấy sữa khổng lồ với đường kính là 13,6m cao 32m, hiện đại vào hàng bậc nhất Châu Á.

Nhà máy Sữa Việt Nam (Mega Factory) đặt tại Khu công nghiệp Mỹ Phước có diện tích lên tới 20ha, với tổng vốn đầu tư khoảng 110 triệu USD. Trong giai đoạn 1, nhà máy cung ứng ra thị trường khoảng 1,2 triệu lít sữa/ngày (khoảng 400 triệu lít sữa mỗi năm), tương đương công suất 9 nhà máy hiện nay của Vinamilk. Giai đoạn 2 công suất nhà máy sẽ được nâng lên 800 triệu lít sữa/năm. Máy móc và thiết bị tại nhà máy này cũng được xây dựng đồng bộ từ khâu nạp nhiên liệu - chế biến - chiết rót đến đóng gói thành phẩm. Điểm đặc biệt của nhà máy là quy trình sản xuất hoàn toàn tự động hóa và sử dụng robot trong vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm. Ngoài ra nhà máy còn sử dụng chương trình quản lý tối ưu từ Thụy Điển để kiểm soát toàn bộ khu vực chế biến, chiết rót, kết nối liên thông với chương trình quản lý kho thành phẩm thông minh, đến hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp. Các nhà máy này cũng được trang bị hệ thống truy vết bằng mã vạch từ khâu nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm sản xuất ra để dễ dàng xác định, làm rõ khi có khiếu nại liên quan đến sản phẩm, nhằm đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng tốt nhất.

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamilk, máy móc thiết bị rất quan trọng trong ngành công nghiệp sữa vì nó kiểm soát được toàn bộ quy trình từ đầu vào sản xuất cho đến đầu ra của sản phẩm. Xây dựng được một nhà máy ngang tầm quốc tế là niềm tự hào không chỉ của riêng Vinamilk mà của cả ngành sữa Việt Nam. Với hai nhà máy mà "thay vì người công nhân bấm nút ở nước ngoài thì giờ họ bấm nút ở Việt Nam" người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội được sử dụng các sản phẩm được sản xuất trên những dây chuyền khép kín, trang thiết bị hiện đại như các nước tiên tiến trên thế giới, tạo niềm tin và chỗ đứng cho hàng Việt và thương hiệu Việt ngày càng khẳng định xứng tầm thế giới.

Cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng

Bà Mai Kiều Liên cũng cho biết, không chỉ đáp ứng nhu cầu kinh doanh đang mở rộng, việc đầu tư hai nhà máy trên góp phần đẩy mạnh mục tiêu cạnh tranh về chất lượng và giá cả trên thị trường. Hiện Vinamilk đang nắm 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua, 50% thị phần sữa tươi và 30% thị phần sữa bột. Tính về sản lượng, Vinamilk đang đứng thứ nhất, nhưng về giá trị thì lại đang đứng thứ ba, vì giá sữa bột của Vinamilk chỉ bằng một nửa giá của sản phẩm nhập khẩu. Khi nhà máy tiên tiến bậc nhất Châu Á này đi vào hoạt động, với ưu thế cạnh tranh của mình, chắc chắn thị phần sẽ tăng lên. Mục tiêu trong 5 năm tới là mặt hàng sữa bột của Vinamilk sẽ chiếm được 50% thị phần.

Những con số trên đã chứng minh Vinamilk đang là một trong những doanh nghiệp dẫn dắt thị trường sữa, nhưng không vì vậy mà Vinamilk đưa giá lên cao bất hợp lý. Giá sản phẩm không chỉ rẻ hơn so với thị trường, Vinamilk còn ký cam kết với TP Hồ Chí Minh thực hiện chương trình bình ổn giá nhiều sản phẩm sữa trẻ em, người lớn tuổi, người bệnh. Vì giá bán của Vinamilk là thống nhất nên ký cam kết giá với TP Hồ Chí Minh cũng có nghĩa là cam kết bình ổn giá với 63 tỉnh thành trong cả nước. "Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, Vinamilk thành công chủ yếu là nhờ chất lượng, giá cả và dịch vụ. Khi người tiêu dùng đã có niềm tin với sữa trong nước nhờ các đầu tư mạnh mẽ của Vinamilk, thì giá sữa sẽ được bình ổn", bà Liên kỳ vọng.

Hai công trình đánh dấu sự phát triển vượt bật của ngành công nghiệp sản xuất sữa của Việt Nam không chỉ đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm sữa tốt nhất mà còn "giải tỏa" được tâm lý dùng sữa ngoại đang khiến cho trẻ em Việt Nam phải sử dụng sữa giá cao, đặc biệt là sữa ngoại ở phân khúc sữa bột trẻ em. Nói về tâm lý "hàng cao giá, hàng ngoại mới tốt" của nhiều người tiêu dùng Việt Nam, bà Mai Kiều Liên lý giải, vì ngành công nghiệp sữa thế giới có kinh nghiệm hàng trăm năm trong khi ngành này ở Việt Nam còn quá non trẻ nên đã từng có 100% người tiêu dùng tin rằng sữa ngoại tốt hơn sữa sản xuất trong nước. Để xóa bỏ được tâm lý này cần phải có nhiều thời gian và cần sự nỗ lực của cả từ hai phía. Về phía nhà sản xuất phải đầu tư những nhà máy hiện đại để tạo ra những sản phẩm sữa có chất lượng tốt, còn phía người tiêu dùng phải sáng suốt đánh giá đúng chất lượng sản phẩm. Chất lượng sữa của Vinamilk không thể thua kém sữa nhập khẩu vì tất cả những công nghệ tiên tiến trên thế giới thì Vinamilk đã đầu tư. Hơn 36 năm qua, Vinamilk vẫn tận tụy chứng minh với người tiêu dùng về ngành công nghiệp sản xuất sữa trong nước và đã có được chỗ đứng vững chắc. Năm 2012 Vinamilk đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng (trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt gần 180 triệu USD); nộp ngân sách nhà nước gần 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, với ngành hàng sữa bột từ chỗ nhập ngoại 100%, đến nay Vinamilk đã chiếm được 30% thị phần. Trong 3 tháng đầu năm nay sữa bột trong nước cho trẻ em tiêu thụ tăng đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Chất lượng sữa của Vinamilk cũng được bảo đảm bằng các hợp đồng xuất khẩu đến hơn 26 nước trên thế giới. Bà cũng cho biết thêm, Vinamilk đã ký xong hợp đồng xuất khẩu 230 triệu USD trong năm 2013, cao hơn xuất khẩu cả năm ngoái. Các nước nhập khẩu đều yêu cầu kiểm định độc lập bởi các công ty kiểm định hàng đầu thế giới đã khẳng định chất lượng sữa của Vinamilk.

Ngành công nghiệp sữa Việt Nam trên bản đồ thế giới

Hơn 36 năm qua, từ hai nhà máy sữa nhỏ ban đầu là Nhà máy Sữa Thống Nhất và Nhà máy Sữa Trường Thọ, đến nay Vinamilk đã là đại diện cho ngành công nghiệp sữa Việt Nam, đang cạnh tranh bình đẳng và đứng ngang với các thương hiệu sữa hàng đầu thế giới tại Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn và thách thức, những năm qua Vinamilk vẫn phát triển vững mạnh và duy trì tăng trưởng cao. Không chỉ sản xuất trong nước, Vinamilk còn đầu tư một nhà máy sữa ở New Zealand và xuất khẩu đến 13 nước trên thế giới. Chia sẻ bí quyết dẫn dắt công ty phát triển tốt trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và phải cạnh tranh khốc liệt với các thương hiệu ngoại nổi tiếng trong ngành, bà Mai Kiều Liên chỉ gói gọn trong triết lý của công ty "Kinh doanh là phục vụ". Đó là làm sao để người tiêu dùng có được sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá cả thấp nhất. Chính vì vậy Vinamilk luôn cho ra đời những sản phẩm mới, chất lượng cao hơn, tốt hơn, năm sau cao hơn năm trước mới thuyết phục được người tiêu dùng, tạo ra doanh số lớn. Hiện 11 nhà máy của Vinamilk trên khắp cả nước đã hoạt động hết công suất nhưng không đủ đáp ứng cho thị trường nên hai nhà máy được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu của Vinamilk và hướng tới mục tiêu doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2017.

Hơn hai mươi năm đứng ở cương vị điều hành Vinamilk, bà Mai Kiều Liên - người phụ nữ đã hai lần được Tạp chí Forbes (Mỹ) vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân xuất sắc nhất Châu Á cho biết điều hài lòng nhất là Vinamilk đã tạo ra được ngành công nghiệp sữa của Việt Nam, và ngành công nghiệp này đã được đứng trên bản đồ thế giới. Đầu năm nay, trên cơ sở đánh giá doanh thu, lợi nhuận, tỷ suất lợi nhuận trên vốn, biến động giá cổ phiếu và triển vọng, Forbes đã đánh giá Vinamilk sẽ sớm lọt vào top 50 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất Châu Á - Thái Bình Dương, có thể là vào năm nay. Và với Vinamilk, hai công trình quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp sữa Việt Nam sẽ tăng tốc đưa Vinamilk trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới.

Đặng Loan