Người đạo diễn có duyên với những bộ phim về Hà Nội

Văn hóa - Ngày đăng : 06:34, 31/03/2013

(HNM) - Tôi gặp lại đạo diễn trẻ Bùi Tuấn Dũng khi anh vừa trở về cùng đoàn phim sau nhiều tháng khởi quay



Phô hàm răng trắng trên khuôn mặt rám nắng, Dũng bảo, xem phim của anh sẽ bắt gặp một Hà Nội trực tiếp hoặc gián tiếp. "Hà Nội trong phim của tôi, là sự khắc họa câu chuyện, con người, chứ không đơn thuần ở cảnh quay Tháp Rùa, hồ Gươm, hay cầu Thê Húc", anh nói.

Từ lúc là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Sân khấu điện ảnh, Bùi Tuấn Dũng đã bén duyên với đề tài Hà Nội trong vai trò trợ lý của phim "Huyền thoại Thủ đô". Năm 2006, cái tên Bùi Tuấn Dũng tỏa sáng khi lần đầu tiên được giao trọng trách hợp tác cùng đạo diễn người Trung Quốc Lưu Chí Vĩ để cùng sản xuất phim "Hà Nội, Hà Nội". Sau đó Dũng đã làm đạo diễn phim truyền hình 6 tập "Tết không chỉ có hoa đào" phản ánh về cảnh đón tết ấm áp xoay quanh những câu chuyện nhỏ ở Thủ đô.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (áo đỏ) cùng đoàn làm phim “Những người viết huyền thoại”.


Khi nói về bộ phim đã giúp mình tỏa sáng, Dũng tự hào chia sẻ: "Hà Nội, Hà Nội là một bộ phim tâm huyết của tôi. Có 95% cảnh quay được quay ở Việt Nam trong đó 70% quay tại Hà Nội. Bộ phim gửi gắm bức thông điệp kêu gọi người trẻ hành trình tìm về với cội nguồn, Hà Nội chính là biểu tượng, là trái tim đất nước, không chỉ tìm về Hà Nội mà tìm đến với mọi miền đất nước".

Và dấu ấn hào hoa, lãng mạn của những chàng trai, cô gái Hà thành trên chiến trường như đã trở thành nét riêng của Dũng. Ngay bộ phim mới nhất do anh đạo diễn dự kiến ra mắt vào tháng 12-2013 với tiêu đề "Những người viết huyền thoại" cũng bật lên nét riêng này. Thông qua một lát cắt dọc theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, Dũng đã làm bật lên câu chuyện bi tráng của những con người đi tiên phong trong việc xây dựng đường ống dẫn dầu xuyên qua dãy Trường Sơn để chi viện cho chiến trường. Nhờ sự hy sinh đó, tuyến đường xăng dầu chiến lược được xây dựng, góp phần làm nên chiến thắng hôm nay. Và giữa cảnh bom đạn mịt mù, cảnh những người lính cần mẫn gùi xăng xuyên qua cánh rừng nhiệt đới phủ đầy mìn lá, cảnh những chiếc xe vận tải chở xăng nổ tung, lại xuất hiện tình yêu của cô văn công Hà Nội và chàng trai giao liên đầy lãng mạn, bi tráng…

Bùi Tuấn Dũng bảo, khi chọn diễn viên cho nhân vật nữ liên quan đến Hà Nội, anh rất khó tính. Cách đây 2 năm, khi đang làm việc tại TP Hồ Chí Minh, Dũng trở về Hà Nội, đến Trường ĐH Sân khấu điện ảnh và một số trường đại học khác với mong muốn tìm bằng được một gương mặt thể hiện tốt nhân vật cô văn công người Hà Nội trong phim "Những người viết huyền thoại". "Từ nhỏ đã quen với hình ảnh mẹ tôi, người phụ nữ Hà Nội mang nét đẹp thanh lịch chuẩn mực, nên vì thế, tôi tuyển người theo mẫu này. Nhưng khi đến các trường, tôi cảm thấy dường như các bạn trẻ đang cố thoát khỏi nét thanh lịch, dịu dàng. Nói chuyện mà cứ "diễn" như đang diễn tuồng, mặt đầy phấn son, quần áo lòe loẹt. Tôi chỉ biết lắc đầu. Mất đi cái nền nã, thanh lịch của con gái Hà thành là một điều đáng buồn!", Dũng trầm ngâm kể lại. Thế nên, phim "Những người viết huyền thoại", đã tạo sự bất ngờ thú vị khi vai Ngân - cô văn công Hà Nội do Tăng Bảo Quyên, một cô gái miền Nam chính hiệu đã hóa thân thành công người thiếu nữ Hà Nội với nét đẹp trong sáng, trẻ trung. "Tôi yêu cầu Tăng Bảo Quyên phải hóa thân thành cô gái Hà Nội tới 90%, ngoại trừ tiếng nói phải lồng", Dũng cười…

Là một đạo diễn trẻ của thế hệ 7X, Bùi Tuấn Dũng đã sớm gặt hái thành công với nhiều giải thưởng: Bộ phim Hà Nội, Hà Nội mang lại giải "Cánh diều vàng cho phim truyện nhựa suất sắc nhất" năm 2006, "Bông sen vàng phim truyện nhựa xuất sắc" và giải "Khán giả bình chọn phim truyện yêu thích nhất Liên hoan phim Quốc gia 15". Ngoài ra anh còn giành giải "Cánh diều vàng cho đạo diễn xuất sắc nhất" với phim truyền hình "Đám cưới ở thiên đường"…

Tuệ Diễm