Chờ đợi ”Mạnh thường quân” cho sách
Văn hóa - Ngày đăng : 06:26, 31/03/2013
Rõ ràng, khó mà "đè" nhà tài trợ ra để thuyết minh về việc họ cần phải bỏ tiền túi ra để đầu tư cho một hoạt động vô cùng ý nghĩa, rất sang trọng nhưng lại khó nhìn rõ lãi lờ. Thế mới có chuyện xa xót. Làm cái việc tìm kiếm, tôn vinh những người suốt cả cuộc đời đóng góp cho nền tảng tinh thần xã hội mà cứ phấp phỏng sợ hụt hơi… không đủ kinh phí đi tiếp. Rồi sách giá trị, phổ biến tinh hoa tri thức nhân loại chật vật in ra không phát hành được quá 2.000 cuốn. NXB Tri thức cũng "tự an ủi" rằng, không mong phát hành rộng rãi đến chục nghìn bản như một số dòng sách phổ thông khác, mà chỉ mong đưa các ấn phẩm tinh hoa này đến tầng lớp trí thức, thông qua họ để tác động đến xã hội. Tuy nhiên, ngay cả như vậy thì con số trên vẫn là quá khiêm tốn.
Từ nhiều năm trước, nhà văn Ngô Tự Lập đã nói: Sự tụt hậu về sách tinh hoa tri thức nhân loại của ta so với nhiều nước trong khu vực Châu Á thôi cũng tính bằng vài trăm năm, thậm chí cả nghìn năm. Và không thể chỉ trông vào "bầu sữa" Nhà nước để cải thiện tình trạng này. PGS Chu Hảo từng chia sẻ: Trước đây, khoa học Châu Âu phát triển mạnh là do "Mạnh thường quân". Rõ ràng, "Mạnh thường quân" là một nguồn lực quan trọng trong xã hội dân sự.
Thử nhìn lại xem có phải ta không có những tổ chức, cá nhân đủ sức tài trợ cho các hoạt động này? Hoàn toàn không! Đây đó đã xuất hiện những nhà tài trợ nặng lòng với dạng đầu tư chiều sâu nói trên. Tuy nhiên, hình như vẫn thiếu một cái gì đó như sự kết nối giữa các nhà tài trợ, thiếu một tầm nhìn xa với tinh thần mà đâu đó người ta đã nói "văn hóa mở đường cho kinh tế". Và cũng không phải vô lý khi có ý kiến cho rằng, cho dù là xã hội hóa thì vẫn cần đến bàn tay vĩ mô của Nhà nước, ví như những chính sách nhằm khuyến khích "Mạnh thường quân" tài trợ cho lĩnh vực này…