Xóa bỏ ”điểm nghẽn” cung - cầu
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 31/03/2013
Trong thời điểm doanh nghiệp cần vốn để thoát khỏi khủng hoảng thì thông tin trên thoạt nghe có vẻ rất vô lý, nhưng khi bình tĩnh suy xét thì lại không quá khó hiểu. Vậy đâu là "điểm nghẽn" khiến "cung - cầu" dù rất cần nhưng chưa thể gặp nhau?
Không khó để nhận thấy, những yếu tố đang khiến cho dòng chảy vốn bị "đóng băng". Đó là yếu tố mùa vụ, cụ thể là dư âm của Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, cũng như thói quen kinh doanh cầm chừng trong những tháng đầu năm vẫn còn, đã gián tiếp làm cho nguồn vốn ứ đọng. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp còn đắn đo, lo ngại chính sách thay đổi sẽ mang lại rủi ro. Cụ thể là nhiều doanh nghiệp cần nguồn vốn vay ưu đãi dài hạn để bảo đảm chu kỳ sản xuất kinh doanh, ít nhất là từ 2 năm trở lên, nhưng đa phần ngân hàng chỉ đưa ra mức lãi suất ưu đãi khoảng 8-9% trong 6 tháng đầu. Vậy lãi suất những tháng còn lại sẽ ra sao, có tiếp tục được ưu đãi hay không? Băn khoăn đó đã khiến nhiều kế hoạch sản xuất kinh doanh vẫn chỉ nằm trên giấy.
Các nghiên cứu quốc tế cho thấy, với lãi suất cho vay 10%/năm thì doanh nghiệp đã phải làm ăn hết sức chật vật. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn và trung dài hạn ở nước ta hiện dao động lần lượt 13-14% và 16-17%. Trong bối cảnh sản xuất kinh doanh ngày càng khó khăn thì mức lãi suất trên càng khiến doanh nghiệp "ngại" vay vốn. Đặc biệt là sau gần 3 năm bị suy thoái "càn quét", đối tượng chính cần vốn là cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm khoảng 95-98% tổng số doanh nghiệp) dường như đã hết khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, do không còn khả năng thế chấp. Trong khi đó, lo ngại gia tăng nợ xấu, các ngân hàng càng siết chặt điều kiện vay sau thời gian tăng trưởng tín dụng quá nóng vừa qua. Đây cũng là rào cản khiến doanh nghiệp rất khó tìm được "tiếng nói chung" với các ngân hàng.
Trong khi đó, theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 26-3, một loạt các mức lãi suất chủ chốt sẽ giảm 1%. Đây là điều cần thiết và thị trường đã dự đoán được việc các ngân hàng thương mại âm thầm giảm lãi suất huy động để kích cầu tín dụng. Tuy nhiên, từ chính sách đến thực tiễn luôn có độ trễ từ 1,5 đến 3 tháng. Một vấn đề khác cũng cần quan tâm là nếu chỉ ưu tiên giảm lãi suất cho khoản vay mới rõ ràng chưa đủ. Bởi trước đó, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải vay vốn với lãi suất cao và điều họ cần là những khoản vay này cũng cần được cứu xét về lãi suất hiện tại. Điều này dường như lại chưa nhận được đồng thuận từ các ngân hàng thương mại vì họ cho rằng khoản vay cũ đó là do họ phải huy động với lãi suất cao, cần phải có thời gian để điều hòa dòng vốn. Thời gian này là bao lâu thì chưa ngân hàng nào dám tuyên bố cụ thể và đương nhiên doanh nghiệp vẫn phải è cổ chịu mức lãi suất "khủng" đã vay trước đó.
Trong buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố Hà Nội và Ngân hàng Nhà nước tổ chức mới đây, một lần nữa, kiến nghị giảm lãi suất cho vay kèm một cơ chế "thoáng" hơn để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có dự án tốt, có thể tiếp cận vốn thay vì phải thế chấp tài sản như hiện nay, đã được nêu ra. Bên cạnh đó, không chỉ hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất mà ngân hàng cần ưu đãi cả lãi suất cho vay tiêu dùng, vì không có tiêu dùng thì nền sản xuất đương nhiên sẽ bị đình trệ.
Rõ ràng việc gỡ bỏ những "điểm nghẽn" trong cung - cầu trên thị trường vốn hiện nay là bài toán cần sớm có lời giải, thông qua những hành động cụ thể. Phải chăng là đã đến thời điểm ngân hàng phải đi tìm "thượng đế"?