Làm rõ trách nhiệm, xử lý triệt để lò gạch thủ công ở Phúc Thọ
Đời sống - Ngày đăng : 07:42, 30/03/2013
Đứng trên thửa ruộng rộng 240m2 đã bị khói lò gạch "đốt cháy", bà Đoàn Thị Mười ở cụm 10, thôn Bảo Lộc (xã Võng Xuyên) nói: "Công chăm bón hơn một tháng qua coi như "đổ xuống sông, xuống biển", giờ chỉ biết trông chờ vào sự đền bù của các chủ lò". "Ruộng lúa bị táp lá, chuyển màu vàng úa. Chính quyền thôn đã đi kiểm tra, kiểm đếm thiệt hại, song đến nay chưa chủ lò nào nhận trách nhiệm" - bà Mười cho biết thêm, cây lúa nếu được phát triển bình thường, năng suất sẽ đạt 200-250kg/sào, nhưng ảnh hưởng khói lò như thế này, thì chỉ thu được tối đa 50kg/sào. Bên cạnh ruộng lúa của bà Mười, ông Đoàn Văn Kỳ đang cần mẫn "chữa cháy" cho ruộng lạc đã bị thiệt hại khoảng 90%, bằng cách bơm nước. Gia đình ông Kỳ có 3 thửa trên cánh đồng Vòng, với tổng diện tích 600m2 đã bị ảnh hưởng bởi khói lò gạch. ông Kỳ nói: "Lò gạch không đốt nữa thì còn thu được ít nhiều, chứ cứ đốt thế này thì hỏng hết”; "Những người dân ở đây đã bỏ công sức, chăm bón, rồi đầu tư vốn, giờ lại phải "chạy theo" chủ lò để thống kê thiệt hại mất rất nhiều thời gian, quyền lợi chưa thấy đâu…". Còn gia đình bà Đoàn Thị Loan có đến 2/3 trong tổng diện tích khoảng 3 sào đất nông nghiệp bị khói lò gạch "đốt cháy". Bà Loan nói: "Lạc thì không có củ, cây đậu không ra hoa, lúa không làm đòng được, khói lò đã "lấy" mất miếng ăn của chúng tôi. Nông dân xót xa cho cây trồng, nhưng lò gạch vẫn không ngừng nhả khói. Các cấp chính quyền không đình chỉ, thì nông dân là người chịu hậu quả nặng nề nhất".
Hàng chục mẫu lúa của người dân thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên bị ảnh hưởng bởi khói lò gạch. Ảnh: Đỗ Chí |
Có mặt tại cánh đồng Vòng của thôn Bảo Lộc, xã Võng Xuyên vào chiều 28-3, chúng tôi thấy hàng chục lò gạch đang hoạt động (trong đó có cả lò đốt gạch bằng công nghệ thân thiện với môi trường và cả lò thủ công). Hàng trăm lao động đang hối hả làm việc, người thì xếp gạch, người đóng than...; hàng chục xe ô tô, công nông... tấp nập ra, vào khu đồng rộng hàng chục hécta đã trở thành công trường sản xuất gạch. Theo quan sát của chúng tôi, có khoảng 10 vỏ lò thủ công đã phá dỡ phần mái, ống khói nhưng phần thân lò vẫn giữ nguyên và thời gian vừa qua, các chủ lò lại tiếp tục nung gạch trong khi lò đã mất phần ống khói.
Làm việc với chúng tôi, ông Đoàn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên thừa nhận, trong thời gian một tuần trở lại đây có một số lò thủ công không ống khói đã đốt gạch, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến lúa và hoa màu của nhân dân. Qua rà soát, kiểm đếm sơ bộ của các cụm dân cư số 10 và số 2, thôn Bảo Lộc, thì có khoảng 20 mẫu lúa, hoa màu ở các cánh đồng Vòng, Cát, Đầm Thủy bị cháy, táp lá... "Mức độ thiệt hại, công tác đền bù và xác định người phải chịu trách nhiệm đang được chính quyền địa phương làm rõ" - ông Khánh cho biết thêm xã Võng Xuyên có 23 lò gạch, thì chỉ có 5 lò đốt bằng công nghệ thân thiện môi trường, còn lại là lò thủ công. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên cuối năm 2012, đầu năm 2013, tất cả lò thủ công trên địa bàn xã Võng Xuyên đã được tháo dỡ. Tuy nhiên, trong quá trình tháo dỡ, chủ của 18 lò gạch này chỉ phá phần ống khói và mái lò, phần thân lò vẫn giữ nguyên và các hộ dân đã cố tình "tận dụng" phần nguyên vật liệu còn lại để "đốt trộm", làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp. Từ sự việc này cho thấy, chính quyền xã Võng Xuyên đã thiếu quyết liệt, chưa triệt để trong lãnh đạo, chỉ đạo tháo dỡ lò gạch thủ công. Hơn nữa, việc các chủ lò gạch "qua mắt" chính quyền cũng cho thấy, lực lượng chức năng địa phương chưa hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Lãnh đạo xã Võng Xuyên cho biết từ ngày 30-3 sẽ đình chỉ toàn bộ việc đun, đốt gạch của tất cả các lò, kể cả các lò gạch đốt bằng công nghệ thân thiện với môi trường đến khi thu hoạch lúa, hoa màu xong. Đối với phần diện tích đã bị thiệt hại do khói lò gây ra, xã sẽ quy trách nhiệm cụ thể cho các chủ lò và tiến hành đền bù theo thỏa thuận cho người dân trước ngày 1-4-2013.
Trước năm 2010, cả huyện Phúc Thọ có 202 lò gạch thủ công, rải rác ở 15 xã, thị trấn. Đến tháng 8-2012, toàn huyện đã xóa được 97 lò và đến nay vẫn còn tồn tại gần 20 lò thủ công. Huyện Phúc Thọ đã yêu cầu các địa phương phải tháo dỡ xong toàn bộ các lò còn lại trước ngày 25-4-2013. Tuy nhiên, còn bao nhiêu lò gạch thủ công ở Phúc Thọ chỉ tháo dỡ "nửa vời" như ở xã Võng Xuyên thì chưa có con số chính xác?