Cảnh sát môi trường Hà Nội: Nhiều việc… “lực bất tòng tâm”
Đời sống - Ngày đăng : 07:21, 30/03/2013
Vi phạm - "Sờ đâu cũng thấy"
Những ngày đầu thành lập, gần 50 CBCS của phòng CSMT không khỏi choáng ngợp trước bề bộn công việc; đối tượng đấu tranh hoàn toàn khác biệt với các loại tội phạm thông thường.Vừa tập trung nắm tình hình nhằm phác họa bức tranh toàn cảnh thực trạng môi trường trên địa bàn thành phố, Chỉ huy Phòng CSMT vừa xác định phải khẩn trương điều tra, phối hợp kiểm tra, xử lý hiệu quả các vi phạm và tội phạm về môi trường để khẳng định vai trò, vị trí của đơn vị.
Đội 6, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Tổ công tác số 2 (Đội cơ động liên ngành, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) bắt giữ gần 500kg gà vận chuyển không có hóa đơn chứng từ trên địa bàn.Ảnh: Minh Quân |
Riêng năm 2012, lực lượng CSMT Hà Nội đã phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý hơn 1.800 vụ việc, liên quan đến 1.882 đối tượng, xử phạt thành tiền gần 16,5 tỷ đồng. Đơn vị cũng đã phối hợp với thanh tra các ngành chức năng tổ chức hơn 1.000 lượt kiểm tra về chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường tại các doanh nghiệp trên địa bàn, xử phạt hành chính 535 vụ với số tiền hơn 2 tỷ đồng. Có thể nói, vi phạm về môi trường "sờ đâu cũng thấy", hiện diện ở mọi địa bàn, lĩnh vực, mọi hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ và đời sống xã hội. Ở các làng nghề, các trang trại chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm… tập quán của người dân chưa thay đổi. Hà Nội có 37 cụm công nghiệp nhỏ và vừa thì 32 cụm chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung; không khí ô nhiễm do thi công xây dựng và do ý thức của người dân; rồi rác thải y tế, rác thải nguy hại từ một số khu công nghiệp, nhà máy chưa được thu gom triệt để; vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến chế biến, kinh doanh...
Tuy nhiên, Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng CSMT cho biết: Trong hơn 1.800 vụ việc được CSMT Hà Nội phát hiện chỉ chuyển cơ quan điều tra để tiến tới xử lý hình sự 80 vụ gồm 112 đối tượng, số vụ việc còn lại được xử lý hành chính nên hiệu quả răn đe không cao. Gần đây, trong đợt cao điểm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, CSMT là một trong những lực lượng có số vụ việc phát hiện cao nhưng kết quả xử lý chỉ đạt 15%.
Nguyên nhân được Chỉ huy Phòng CSMT lý giải là do công cụ pháp lý để xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường còn quá mỏng. Bộ luật Hình sự có quy định về tội phạm xâm hại môi trường nhưng chưa có điều khoản cụ thể và chi tiết để đánh giá mức độ nguy hại của hành vi làm cơ sở xử lý hình sự. Thế nên, để đưa một vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường ra xét xử, các cơ quan tham gia quá trình tố tụng đều vướng. Trong khi đó, xử lý hành chính, dù mức phạt cao nhất lên tới 500 triệu đồng cũng không đủ sức răn đe vì nhiều doanh nghiệp sẵn sàng nộp phạt cho các vi phạm bởi lợi nhuận thu được còn lớn hơn nhiều. Mặt khác, cơ quan CA cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường có quyền đề nghị một số hình thức xử phạt khác như đóng cửa cơ sở sản xuất, cưỡng chế, giải tỏa hay phong tỏa tài khoản... Nhưng những chế tài này còn nặng về lý thuyết bởi các cơ quan chức năng chỉ có thể đề xuất còn quyền hạn thực tế nằm trong tay chính quyền địa phương. Về phía chủ quan, lực lượng CSMT Hà Nội cũng chưa đủ mạnh, CBCS Phòng CSMT và các quận, huyện đều chưa qua đào tạo chính quy chuyên ngành, hiểu biết còn hạn chế. Nhiều lĩnh vực môi trường như y tế, thú y, tài nguyên nước, lâm nghiệp... CSMT cũng mới chỉ tiếp cận theo kiểu "ghé vai", không có chức năng giải quyết, không có vai trò quyết định...
Để CSMT đáp ứng được thực tế tình hình
Qua hơn 5 năm hoạt động, Phòng CSMT đã có 215 văn bản kiến nghị Cục CSMT, UBND TP, UBND các quận, huyện và các sở, ngành. Mỗi văn bản thực sự là một mảnh ghép của bức tranh môi trường Hà Nội trên các lĩnh vực: An toàn vệ sinh thực phẩm, hóa chất, khai thác tài nguyên khoáng sản, quản lý chất thải nguy hại, làng nghề, nông nghiệp - nông thôn. Tuy được thành lập chưa lâu, nhưng nhiều mảng vấn đề lớn, những hành vi vi phạm chủ yếu đã được Phòng CSMT rà đến, như: Buôn bán động vật hoang dã, buôn bán vận chuyển gỗ trái phép; buôn bán, vận chuyển gia cầm không qua kiểm dịch; đổ trộm phế thải; kinh doanh dầu Diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao; mua bán rác thải y tế; vận chuyển rác thải nguy hại; sữa nhiễm Melamine... Từ đó, Phòng CSMT đã tham mưu, đề xuất để thành phố có nhiều chủ trương, biện pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, đáng chú ý là Đề án 141 của UBND thành phố về nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn Hà Nội.
Đại tá Doãn Hữu Châu, Trưởng Phòng CSMT nhận định, năm 2013 và những năm tiếp theo, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn Hà Nội vẫn sẽ diễn ra phổ biến, phức tạp, gây bức xúc cho đời sống xã hội. Không ngừng cố gắng, nỗ lực, nhưng nếu hành lang pháp lý không được nới rộng, lực lượng và phương tiện không được tăng cường, hoạt động của lực lượng CSMT Hà Nội cũng như các lực lượng chức năng khác, vẫn sẽ rơi vào cảnh "chới với" và chưa thể đáp ứng được yêu cầu của một thành phố xanh - sạch - đẹp.
* Đến hết năm 2012, trên địa bàn Hà Nội có 1.270 làng nghề, trong đó có 22 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nước thải của 95% làng nghề chưa qua xử lý, xả trực tiếp ra môi trường.
* Mỗi tháng TP có hơn 10.000m2 đường bị đào bới để thi công, sửa chữa gây bụi.
* Tổng lượng rác thải sinh hoạt đô thị của Hà Nội là hơn 3.000 tấn/ngày; chất thải xây dựng 1.000 tấn/ngày; chất thải y tế nguy hại hơn 5 tấn/ngày; rác thải khu vực nông thôn khoảng 2.000 tấn/ngày; chất thải công nghiệp và chất thải công nghiệp nguy hại khoảng 150 tấn/ngày.