Đấu thầu vàng: Không để bình ổn giá?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:26, 30/03/2013
Về nguyên tắc, việc Ngân hàng Nhà nước đưa thêm vàng vào thị trường thông qua việc đấu thầu là chủ trương tốt, tạo thêm nguồn cung trong bối cảnh giá vàng trong nước đang luôn cao hơn thế giới tới vài triệu đồng mỗi lượng. Thế nhưng sau phiên đấu giá, không ít người đã đặt ra những nghi ngờ, thắc mắc về mục đích của động thái này. Bởi ngay sau phiên mở đấu giá thì thị trường lập tức có những phản ứng tiêu cực, thay vì phải giảm giá thì thị trường lại tăng và khoảng cách chênh lệch giá với thị trường thế giới lại thêm nới rộng, lên 3,1 triệu đồng/lượng so với mức 2,77 triệu đồng/lượng trước đó.
Dù Ngân hàng Nhà nước cho rằng số lượng vàng (26.000 lượng) đưa ra đấu giá trong phiên đầu tiên đã được tính toán dựa trên những thăm dò cung cầu, tham khảo doanh số mua bán trên thị trường trong thời gian qua và đây được cho là số lượng hợp lý cho phiên đấu giá đầu tiên, song thực tế đã cho kết quả ngược lại. Chẳng khó để lý giải sự bất thành công ấy bởi việc bán đấu thầu với một số lượng lớn, nói một cách dân dã là bán buôn, mà lại bán cao hơn cả bán lẻ thì chắc chắn mười mươi thất bại là điều không cần bàn cãi.
Một vấn đề khác là việc tung vào thị trường hàng tấn vàng mà như kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước là để hỗ trợ bình ổn thị trường, nhưng cũng như với thị trường bất động sản, hay đơn giản như thị trường tiêu dùng, việc tung hàng, trợ giá hay hỗ trợ lãi suất không phải cứ muốn là được, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Rõ ràng, việc tham gia điều tiết là cần thiết, nhưng xem ra sự can thiệp quá sâu vào thị trường vàng như thời gian vừa qua của Ngân hàng Nhà nước có lẽ không phải là cách mà các ngân hàng trên thế giới lựa chọn. Trong khi thực tế nhiều chuyên gia cho rằng, thay vì can thiệp vào thị trường kim loại quý này thì Ngân hàng Nhà nước nên tập trung cho việc tái cơ cấu ngân hàng hay giải quyết nợ xấu của nền kinh tế.
Theo dự kiến, đầu tháng 4 tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu thứ hai. Ngày hôm qua, đại diện Ngân hàng Nhà nước đã giải thích với báo chí rằng, việc tăng cung vàng miếng là nhằm can thiệp bình ổn thị trường vàng, không nhằm mục tiêu bình ổn giá vàng và đặc biệt là không bù lỗ cho bất cứ đối tượng nào. Và thật lạ khi vị đại diện này cũng khẳng định, mặc dù mức giá sàn cao hơn giá niêm yết trên thị trường nhưng vẫn có tổ chức đặt thầu và trúng thầu mua vàng miếng.
Xem ra, với cách tư duy này thì chắc chắn phiên đấu thầu thứ hai dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu tháng 4 tới cũng sẽ khó thoát khỏi cái bóng của lần đấu thầu đầu tiên. Tức là "con gà" sẽ khó mà "đẻ trứng vàng" như mong đợi của Ngân hàng Nhà nước.