Cuộc nội chiến tại Syria: Khúc ngoặt nguy hiểm mới

Thế giới - Ngày đăng : 07:25, 29/03/2013

(HNM) - Đó là quyết định của Liên đoàn Arab (AL) tại Hội nghị Thượng đỉnh thường niên vừa bế mạc (26-3) ở Dohar (Qatar).

Nhiều thành phố lớn của Syria đã trở thành đống đổ nát vì cuộc nội chiến leo thang, lan rộng.


Mặc dù nghị quyết của AL nhấn mạnh, cần ưu tiên các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria, nhưng lại khẳng định "quyền của mọi quốc gia thành viên được cung cấp tất cả các hình thức tự vệ, kể cả quân sự, để hỗ trợ cuộc kháng chiến của nhân dân Syria và quân đội Syria tự do". Dư luận khu vực cho đây là cú "bật đèn xanh" của AL về một giải pháp quân sự nhằm sớm chấm dứt xung đột thay vì đàm phán hòa bình tại Syria.

Thực tế, sự kiện AL công nhận phe đối lập ở Syria chỉ là một bước tiến nhỏ so với những gì mà SNC nhận được từ bên ngoài thời gian qua. Bởi trước đó, suốt hơn hai năm chìm trong nội chiến, phe đối lập ở Syria đã nhận được nhiều "ưu ái" của phương Tây, đặc biệt là Mỹ trên nhiều phương diện nhằm lật đổ chế độ hiện hành của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong một diễn biến mới, ngày 25-3, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, một số hàng viện trợ "không chết người" của Washington đã đến tay phe đối lập ở Syria. Cùng với đó, mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama chưa trực tiếp cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy ở Syria, nhưng tờ Thời báo New York, số ra ngày 25-3 tiết lộ, những tháng gần đây, Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) đã thực hiện các chuyến không vận bí mật hỗ trợ các nước Arab và Thổ Nhĩ Kỳ, gia tăng viện trợ quân sự cho phe đối lập ở Syria. Còn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự lớn nhất hành tinh, cho dù đến nay, không có ý định can thiệp quân sự vào Syria nhưng theo thông tin của Tư lệnh Bộ Chỉ huy Châu Âu của Mỹ kiêm Tư lệnh Bộ Chỉ huy tối cao NATO tại Châu Âu, Đô đốc sắp nghỉ hưu James Stavridis thì Mỹ và các đồng minh NATO đang xây dựng kế hoạch khẩn cấp để sẵn sàng can thiệp quân sự vào Syria khi được Liên hợp quốc (LHQ) và các nước thành viên yêu cầu. Rõ ràng, các phương án nhằm hạ bệ chính quyền đương nhiệm Damacus đã sẵn sàng.

Với quyết định của AL, mặc dù được nhìn nhận là chỉ mang tính ngoại giao so với những gì mà SNC nhận được từ phương Tây, song, đây lại là bước ngoặt nguy hiểm. Bởi cùng với "nội kích" của phe đối lập và sức ép của các cường quốc phương Tây đang gia tăng áp lực, giờ đây, chính quyền Damacus lại mất đi sự ủng hộ ngay trong tổ chức lớn nhất của thế giới Arab mà Syria là thành viên. Ngay lập tức, quyết định của AL đã vấp phải sự phản ứng của cộng đồng quốc tế. Ngày 27-3, Nga lên tiếng chỉ trích quyết định của AL là hành động "phi pháp và không thể bào chữa". Cùng ngày, Damacus cáo buộc AL đã hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố... Dư luận lo ngại rằng, một kịch bản tương tự như ở Libya đang lặp lại tại Syria. Câu hỏi đang đặt ra rằng, liệu SNC có đủ sức đảm đương trách nhiệm khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ? Không ai có thể trả lời điều đó vào lúc này. Nhưng, có một thực tế đang diễn ra rằng, SNC không phải là một tổ chức thống nhất và đoàn kết. Bằng chứng là khi SNC bầu ông Ghassan Hitto làm Thủ tướng tạm quyền (23-3), tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), để nắm quyền kiểm soát các khu vực phiến quân đang chiếm giữ nhưng nhân vật này lại không nhận được sự đồng tình của các tổ chức nổi dậy trong nước. Lý do, ông G.Hitto là một công dân Mỹ sinh ra tại Syria và được nước ngoài hỗ trợ. Thậm chí, trong cuộc bỏ phiếu tại Istanbul, một số nhân vật "nổi tiếng" của phe đối lập Syria đã bỏ ra ngoài. Vai trò của SNC đã và đang bị lu mờ trong chính các phe phái nổi dậy ở Syria.

Hiện tại, sức nóng cuộc nội chiến tại Syria đã lên cực điểm. Ngày 27-3, trong bức thư gửi tới Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm BRICS (gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Tổng thống Bashar al-Assad đã đề nghị BRICS cùng hợp tác ngăn chặn tình trạng bạo lực ở Syria và giúp đưa ra giải pháp chính trị đến thành công. Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-Moon cảnh báo chính phủ các nước trên thế giới phải nhanh chóng hành động ngăn chặn nguy cơ Syria bị "hủy diệt hoàn toàn" trong bối cảnh cuộc nội chiến tại nước này đã bước sang năm thứ ba. Thế nhưng, nhìn về tương lai, chưa thấy hé lộ hy vọng nào, trái lại, quyết định của AL đã và đang khiến tương lai giải quyết cuộc khủng hoảng Syria trở nên mịt mờ hơn.

Trung Hiếu