Kiểm soát sử dụng súng đạn ở Mỹ: Cuộc tranh cãi chưa phân thắng bại
Thế giới - Ngày đăng : 06:48, 29/03/2013
Phát biểu trước báo giới, tỷ phú Bloomberg cho biết Quốc hội hiện vẫn chưa thực sự hiểu rõ mong muốn của người dân với vấn đề kiểm soát súng đạn và nhóm của ông đang cố gắng để cải thiện tình hình, đưa tiếng nói của người dân đến với Thượng viện. Chiến dịch của ông sẽ tập trung ủng hộ kiểm tra chặt lý lịch người mua súng, dự luật mà ông cho rằng có khả năng thành công cao hơn so với cấm kinh doanh các loại vũ khí có khả năng tấn công.
Thực tế, với 310 triệu khẩu súng đang lưu hành trên thị trường, Mỹ là một trong những quốc gia sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Những vụ xả súng dường như đã trở thành "cơm bữa" tại xứ Cờ hoa và phải đến khi vụ xả súng tại bang Connecticut tháng 12 năm ngoái làm 26 người thiệt mạng, thì toàn thể người Mỹ mới thực sự "thức tỉnh". Làn sóng đòi kiểm soát chặt việc sở hữu súng đạn bắt đầu lan rộng khắp nước Mỹ. Và chiến dịch của Thị trưởng New York là một nỗ lực nhằm ủng hộ đề xuất kiểm soát súng đạn của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra ngày 16-1, bao gồm 23 biện pháp hành chính; trong đó có quy định kiểm tra nghiêm ngặt hồ sơ các vụ mua bán súng, đóng cửa vĩnh viễn một số địa điểm bán lẻ và các phòng trưng bày súng đạn; giới hạn các băng đạn ở mức 10 viên trở xuống; tăng cường dịch vụ y tế tâm thần, kêu gọi Quốc hội sớm phục hồi đạo luật cấm buôn bán và sở hữu các loại súng tấn công sử dụng trong quân đội đã hết hạn từ năm 2004… Tuy nhiên mới đây, Thủ lĩnh phe đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Harry Reid đã tuyên bố việc phục hồi đạo luật 2004 sẽ không nằm trong các vấn đề về kiểm soát súng đạn mà Thượng viện Mỹ dự kiến thảo luận và đưa ra bỏ phiếu vào tháng 4 tới.
Rõ ràng, hệ lụy do súng đạn gây ra nguy hiểm là vậy, nhưng việc thông qua một đạo luật kiểm soát súng đạn tại Mỹ lại không dễ dàng. Dù thăm dò dư luận cho thấy có tới 91% người Mỹ được hỏi ý kiến ủng hộ kế hoạch của chính quyền Obama nhằm giảm tình trạng bạo lực do súng đạn nhưng kế hoạch này vẫn vấp phải sự phản đối quyết liệt của hầu hết các nghị sỹ đảng Cộng hòa tại Thượng viện và các nghị sỹ bảo thủ trong đảng Dân chủ khi cho rằng văn kiện đi ngược lại quyền tự vệ và quyền sở hữu súng hợp pháp của người Mỹ trong Hiến pháp. Bên cạnh đó Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA) - tổ chức vận động hành lang có thế lực nhất ở Mỹ cũng chỉ trích dự luật trên. Theo NRA, biện pháp hạn chế súng đạn vi phạm quyền hiến định của người dân. Sự phản đối của NRA cũng dễ hiểu khi doanh số bán súng đạn ở Mỹ mỗi năm đạt khoảng 3,5 tỷ USD. Trong khi đó, NRA lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới giới chính khách Mỹ, nhất là phe Cộng hòa bằng những khoản "đóng góp" lớn. Do đó, cuộc tranh cãi xung quanh một đạo luật kiểm soát súng đạn vẫn chưa ngã ngũ và không biết đến khi nào sẽ có hồi kết.
Các vụ bạo lực do súng đạn tại Mỹ đang làm "hoen ố" hình ảnh của xứ Cờ hoa. Theo nhận xét của nhật báo Pháp Le Monde thì "sẽ là bất công và sai lầm khi hình ảnh của nước Mỹ là những trận cuồng sát của vài cá nhân đơn lẻ. Nhưng, những vụ như vậy hiếm khi xảy ra ở những nước khác và đang làm xấu đi giấc mơ Mỹ".