Băn khoăn đãi ngộ nghiên cứu khoa học trong các trường đại học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:26, 29/03/2013
Nhìn ra thế giới
Theo số liệu thống kê của Ủy ban Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Châu Âu, tính riêng Mỹ và Châu Âu, có 680.000 trong hơn 2,2 triệu cán bộ nghiên cứu viên là thuộc khối các trường ĐH và các viện nghiên cứu của chính phủ. Trong số này, số nghiên cứu viên thuộc các phòng thí nghiệm ở các trường ĐH của cả hai khu vực này đều chiếm đa số: Mỹ 190.000/230.000, Châu Âu 320.000/450.000.
Sinh viên Trường ĐH Kinh tế công nghiệp TP Hồ Chí Minh thực hành nghiên cứu khoa học. Ảnh: Chí Lâm |
Ở các nước này, đã hình thành quỹ nghiên cứu khoa học chiếm khoảng 1,75% GDP (Châu Âu) và 2,6% GDP (Mỹ), trong đó tài trợ cho nghiên cứu của các trường ĐH đạt tới mức 0,35% GDP. Số lượng các công trình khoa học công bố hằng năm của Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản lần lượt chiếm khoảng 30%, 35% và 8% số bài báo cáo của toàn thế giới.
Xu thế hiện nay ở một số nước là tổ chức các trường ĐH chỉ tập trung vào đào tạo sau ĐH. Điển hình là Viện Nghiên cứu KH&CN tiên tiến Nhật Bản (JAIST) và Viện Nghiên cứu KH&CN tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) với sự đầu tư trang thiết bị hiện đại và đối tượng đào tạo tập trung theo hướng nghiên cứu. Nhằm tạo ra các cơ sở nghiên cứu - đào tạo xuất sắc bên trong các trường ĐH, nhiều nước đã có chính sách tập trung đầu tư. Từ năm 2000, Nhật Bản đã khởi động chương trình xây dựng các trung tâm nghiên cứu xuất sắc cho thế kỷ XXI, sau đó đã được phát triển thành sáng kiến xây dựng các trung tâm nghiên cứu quốc tế hàng đầu thế giới. Trung Quốc có dự án 985 với tổng kinh phí đầu tư lên tới hàng tỷ USD nhằm mục tiêu đưa các trường ĐH trở thành ĐH nghiên cứu tầm cỡ quốc tế.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, để có được những bước phát triển thần kỳ, các quốc gia đã áp dụng những chính sách ưu đãi trọng dụng cán bộ KH&CN mà đối với nước ta thì còn rất xa vời. Từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc đã thực hiện chính sách mời các nhà khoa học Hàn Quốc đang làm việc tại nước ngoài về nước làm việc tại Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) với chế độ lương cao gấp 3 lần so với các giáo sư trong nước, kèm theo các chế độ đãi ngộ khác về nhà ở, cơ sở vật chất. Sau 40 năm, Viện KIST đã nằm trong 10 viện hàng đầu thế giới. Trung Quốc hiện nay đang cải cách thể chế hóa khoa học, thu hút các nhà khoa học Hoa kiều về nước làm việc với mức lương cao không kém mức lương của họ ở các nước phát triển. Đến nay, Trung Quốc đã đạt tỷ lệ 43 người làm nghiên cứu và phát triển/1 vạn dân.
Mấu chốt là con người
Bộ KH&CN cũng cho biết, hiện nay, ở nước ta, ý tưởng thành lập các viện, trung tâm nghiên cứu liên ngành đã được hình thành và bước đầu khởi động tại một số trường ĐH, tiêu biểu là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Trong những yếu tố cần thiết để hình thành và phát triển các trung tâm xuất sắc, yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định: Nếu như không kịp thời có chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài mang tính đột phá thì không thể có những nhà khoa học đầu ngành, những tập thể khoa học mạnh. Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, các nhà khoa học đầu ngành cần được ưu đãi về điều kiện làm việc, chế độ lương và phụ cấp xứng đáng, được quyền đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và chủ trì các nhóm nghiên cứu, tham gia đào tạo ĐH và sau ĐH, chủ trì các hội nghị khoa học quốc tế, và quan trọng là được giao tự chủ một khoản kinh phí nhất định hàng năm cho hoạt động khoa học của mình. Còn các nhà khoa học trẻ tài năng là những sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi, cán bộ trẻ, cần được tạo điều kiện tham gia các nhiệm vụ khoa học, được tự chủ một khoản kinh phí nhất định để từ ý tưởng khoa học trở thành một đề tài nghiên cứu đi đến sản phẩm cuối cùng. Riêng các nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia thì phải có quyền tự chủ cao về tài chính và nhân sự, được chủ động đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại hoặc sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, có thể tiếp cận với mọi nguồn thông tin tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng, được quyền điều động và trả lương theo thỏa thuận cho những nhà khoa học giỏi nhất từ các cơ quan khoa học, thậm chí là thuê chuyên gia nước ngoài tham gia quá trình thực hiện nhiệm vụ. Họ có quyền tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, mua công nghệ, thuê chuyên gia… bằng nguồn kinh phí được giao tự chủ mà không lệ thuộc vào các thủ tục hành chính.
Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cũng đang đề xuất một vấn đề rất quan trọng, đó là giao các biên chế nghiên cứu khoa học cho các trường ĐH công nghệ trọng điểm. Với đề xuất này, các giảng viên cũng là nhà nghiên cứu sẽ có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, một trong hai nhiệm vụ quan trọng của cơ sở GDĐH mà lâu nay vì tập trung cho hoạt động đào tạo mà các trường chưa thực sự chú trọng tới.