30.000 tỷ đồng chờ giải ngân
Bất động sản - Ngày đăng : 06:53, 28/03/2013
Theo đó, các dự án phát triển nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô từ 500 căn hộ trở lên, trước khi UBND cấp tỉnh cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ hoặc chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội phải có ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng. Về nguyên tắc, các căn hộ sau điều chỉnh phải có cơ cấu diện tích bảo đảm an toàn, tiện lợi, đủ không gian, diện tích sử dụng tối thiểu như bếp, công trình phụ, phòng tắm… không được thấp hơn tiêu chuẩn tối thiểu thiết kế nhà ở thương mại. Thủ tục điều chỉnh cũng khá đơn giản, theo đó, trường hợp dự án chỉ điều chỉnh cơ cấu căn hộ mà không thay đổi tổng diện tích sàn xây dựng theo quy hoạch thì không phải xem xét, phê duyệt lại chỉ tiêu dân số, quy hoạch hoặc tổng mặt bằng dự án.
Việc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội góp phần “phá băng” thị trường bất động sản. Ảnh: Phan Anh |
Việc chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, hoặc công trình dịch vụ được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất và được hưởng các ưu đãi theo quy định hiện hành, nhưng phải bảo đảm đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà ở xã hội và bán, cho thuê, thuê mua đúng đối tượng quy định. Trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất sẽ được nhà nước hoàn trả số tiền đã nộp hoặc được khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư dự án phải nộp cho nhà nước trên cơ sở tính toán lại tiền sử dụng đất của dự án sau khi điều chỉnh. Cùng với thỏa thuận tín dụng 30.000 tỷ đồng được ký kết giữa Bộ Xây dựng và BIDV đã ký thỏa thuận dành cho chủ đầu tư dự án nhà xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà thương mại giá rẻ và người mua nhà vay, việc chuyển đổi căn hộ nhà ở thương mại được coi là những biện pháp cụ thể hóa chủ trương hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất; phá băng cho thị trường bất động sản vốn đình trệ suốt 2-3 năm qua.
Trước đó, cả DN và cả cơ quan quản lý địa phương đều lúng túng, vì chủ trương đã có nhưng hướng dẫn cụ thể thì chưa. Có DN phản ánh đã nộp hồ sơ xin chuyển đổi cơ cấu căn hộ nhưng chưa được giải quyết vì kéo theo là nhiều thủ tục khác như thay đổi giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng… Hà Nội là một trong hai trung tâm của thị trường bất động sản nhưng mới chỉ có 6 nhà đầu tư đăng ký xây dựng nhà ở xã hội, và mới có 3 dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi sang nhà cho người thu nhập thấp là Trung Văn mở rộng (Từ Liêm), giai đoạn 1 khu nhà ở cao tầng đô thị Sông Đà (Hà Đông) và tổ hợp chung cư AZ Thăng Long (Hoài Đức).
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, mặc dù thành phố kêu gọi nhà đầu tư chuyển đổi từ dự án nhà ở thương mại sang nhà tái định cư bán cho thành phố nhưng chỉ có một DN đăng ký, với 39 căn hộ tại Trung Hòa. Sau khi có những chính sách cụ thể, thị trường kỳ vọng sẽ có những bước chuyển mạnh hơn. Làm việc với TP Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nói, nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội rất lớn, sơ bộ 16/40 đơn vị trung ương đã đăng ký 21.000 căn hộ. Chính phủ đã có văn bản yêu cầu đến hết tháng 4 phải đưa 5-6 dự án kể cả khởi công mới và chuyển đổi vào thực hiện. Nếu không quyết liệt, lòng tin của thị trường và DN sẽ giảm sút.